top of page

​Tuổi thơ tôi gắn liền với làng nghề sơn mài. Khi bốn – năm tuổi, tôi ngửi mùi sơn ta nhiều hơn ngửi kẹo, ngửi hoa. Cái mùi mọi người nói độc thì lúc nhỏ thích hít hà lắm. Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người. May sao tôi nghịch suốt ngày mà không bị sao cả. Hai đằng nội ngoại tôi đều làm sơn mài nhiều đời: bên ngoại làm đồ thờ, bên nội làm thủ công mỹ nghệ. Mấy chục năm đói nghèo, ấm no cũng vẫn vậy. Tôi luôn nhớ vết nứt toác rớm máu trên bàn tay bố mỗi khi mùa đông đến, mùa vụ hàng ngấm nhiều xăng dầu, sơn ăn. Nhớ cả dáng bố khi sơn phủ kín người bước ra từ buồng sơn lúc bốn giờ sáng. Tình yêu sơn mài ươm mầm trong tôi từ thuở ấy.

Lẽ vì nhiều thứ sẽ không tốt mà sơn mài với tôi chưa bao giờ là một nghề. Những năm tháng trưởng thành theo ngành báo, học hỏi được dăm điều muôn phương, đắm mình trong văn hóa dân gian Việt, tôi thi thoảng nhớ nghĩ về sơn mài. Hiếm khi nào văn hóa và nghệ thuật quyện hòa nhuần nhuyễn với nhau đến vậy. Mỗi năm thêm một tuổi nghề, niềm đam mê bản sắc Việt trong tôi cũng cũng ngày một lớn lên.

Đến khi lập gia đình và làm mẹ, tạm nghỉ đôi chân ưa xê dịch, tôi ​​hữu duyên xúc chạm với Phật giáo nói chung và truyền thống Kim Cương Thừa nói riêng. Con tim yêu văn hóa giờ lại mê mẩn khám phá kho tàng nghệ thuật Phật giáo, say mê chiêm nghiệm những ý nghĩa biểu tượng và giá trị nhân văn được nội hàm trong đó. Như hạt sương mai hóa thành mây trời phiêu du muôn ngả, chờ khi duyên lành hội đủ chín muồi, trĩu giọt đam mê và xúc cảm, ngưng tụ làm mưa trở về nguồn cội. Trái tim tôi thúc giục mình tìm về hạt mầm xưa cũ, vun trồng bằng tình yêu văn hóa và minh triết Phật giáo, để một ngày khai hoa tỏa sắc cho đời.

 

Hạt mầm ấy, tôi đặt tên SonMani.

Bowls of lacquer paint on a shelf
Artisan working on lacquer painting of the Avalokiteshvara
Lacquer painting on mother-of-pearl Green Tara

Ngọc Sáng trong Son

Trong Phật giáo, mani là viên minh châu như ý đáp ứng mọi nguyện ước của chúng sinh. Biểu tượng này cũng hàm ý tính Phật trong mỗi hữu tình — một viên ngọc báu sẵn có trong ta, nhưng đang bị phủ mờ bởi bao suy nghĩ và thói quen tiêu cực.

Trong mỗi tác phẩm sơn mài, ẩn mình bên dưới lớp sơn son truyền thống là những chất liệu, những ý đồ của người nghệ nhân tài hoa đang chờ được mài nhẵn, ló rạng. Tính Phật trong ta cũng vậy. Ta mài giũa bản thân để gạt đi lớp bụi vốn cáu két bên ngoài, cho tới khi viên ngọc bên trong hiển lộ ánh sáng rạng rỡ của từ bi và trí tuệ.

Từ ý nghĩa ấy, tôi chọn tên SonMani để gửi gắm những giá trị nhân văn trong Phật giáo vào mỗi sản phẩm thủ công truyền thống. Bản sắc văn hóa Việt Nam, minh triết Phật giáo và niềm đam mê sơn mài — ba giá trị quyện hòa trong một dự án dài hơi. Tôi hy vọng rằng khi nhìn ngắm những tác phẩm này, mỗi người sẽ nhớ ra và quay về tìm lại viên ngọc trong chính mình.

Câu chuyện Mani

by Quỳnh Đỗ

bottom of page