top of page

Bất Không Quyến Sách Amoghapasha

  • Ảnh của tác giả: Jigme
    Jigme
  • 17 thg 12, 2024
  • 14 phút đọc

Đã cập nhật: 3 thg 3

Bất Không Quyến Sách là một trong những hiện tướng Mật thừa nổi tiếng nhất của đức Quán Thế Âm Bồ-tát Avalokiteshvara. Hồng danh của ngài mang nghĩa “sợi dây (pasha, quyến sách) không ai không cứu độ (amogha, bất không)”, biểu trưng cho sợi dây từ bi như ý có năng lực trói buộc hết thảy chúng sinh lầm lạc vào chính pháp, không để họ rơi vào ba cõi ác và luôn dẫn dắt họ trên đường đạo.


Amoghapasha, peaceful in appearance, white in colour, has one face and eight arms, in a standing posture on an ornate throne and 'torana' throne-back.
Tranh Bất Không Quyến Sách Amoghapasha tám tay vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XV. Xuất xứ Nepal. Rubin Museum of Himalayan Art.

Bản tôn được thờ phụng rộng rãi đầu tiên ở Ấn Độ, sau đó lan sang khu vực Himalaya và Đông Á vào cuối thế kỷ VII, đầu thế kỷ VIII. Việc này được khởi xướng nhờ vào sự bảo trợ của triều đình, bởi hoàng gia nơi đây sùng kính hình tượng bí truyền của Quán Thế Âm Bồ-tát và rất tin tưởng vào năng lực hộ quốc của ngài. Dù bối rối khi không tìm thấy các dấu tích ban đầu của hình tượng Bất Không Quyến Sách ở Ấn Độ, giới học giả nghiên cứu nghệ thuật Ấn Độ vẫn tin rằng hình mẫu này phải tồn tại ở đây trước khi xuất hiện tại Đông Á.


Dấu Tích Văn Bản Đầu Tiên về Bất Không Quyến Sách Quán Âm


Nhờ sự hưng thịnh của Kim Cương Thừa tại Ấn Độ, đức Bất Không Quyến Sách được đề cập đến trong nhiều tác phẩm Phật giáo mật truyền. Trong số này có Bất Không Quyến Sách Vương Kinh (Skt. Amoghapashakalparaja) gồm hai mươi sáu chương, một kiệt tác của văn học Mật thừa. Chương đầu tiên của bản kinh này cũng được in riêng với tiêu đề Bất Không Quyến Sách Đại Thừa Tâm Kinh (Skt. Amoghapashahridaya Mahayana Sutra).


Hình minh họa Bồ-tát Bất Không Quyến Sách trong bản kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa (Skt. Ashtasahasrika Prajnaparamita Sutra). Niên đại đầu thế kỷ XII. Xuất xứ Ấn Độ. Metropolitan Museum of Art, New York.
Hình minh họa Bồ-tát Bất Không Quyến Sách trong bản kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa (Skt. Ashtasahasrika Prajnaparamita Sutra). Niên đại đầu thế kỷ XII. Xuất xứ Ấn Độ. Metropolitan Museum of Art, New York.

Đã có một số phiên bản Bất Không Quyến Sách Tổng Trì Kinh (Skt. Amoghapasha Dharani Sutra) được dịch sang tiếng Trung, hầu hết đều diễn ra vào thế kỷ VI và VIII. Thông tin sớm nhất về bản tôn đến từ bản dịch của ngài Chí Đức (Jnanagupta) thực hiện năm 587, Huyền Trang năm 659, Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci) năm 693, và Bất Không (Amoghavajra) vào thế kỷ VII. Các bản dịch tiếng Tạng của Bất Không Quyến Sách Tâm Kinh thường tập trung vào vai trò cứu khổ độ sinh của Bồ-tát, theo đó việc tụng đọc thần chú của ngài sẽ mang đến hai mươi phúc lành cho nhân thế và tám phúc báu cho người hấp hối.


Hình Tượng Bồ-tát trong Nghệ Thuật Pala Ấn Độ


Các hình tướng Quán Thế Âm nhiều tay trở nên phổ biến vào triều đại Pala (thế kỷ VIII–XII), bởi hầu hết tranh tượng miêu tả bản tôn nhiều tay như vậy có niên đại từ thế kỷ IX–X. Tuy hình tượng bốn tay được tìm thấy nhiều nhất, ta cũng bắt gặp một số lượng nhỏ hơn các hình ảnh sáu tay. Có thể xác định những hiện tướng này là đức Bất Không Quyến Sách nhờ pháp khí đặc trưng của ngài là sợi dây bẫy thú (pasha).


Amoghapasha statue in metal from northern India.
Tượng Bất Không Quyến Sách tám tay bằng kim loại. Niên đại thế kỷ XI. Xuất xứ miền Bắc Ấn Độ. Himalayan Art Resources.

Nguồn gốc chính xác của hình tướng Bất Không Quyến Sách vẫn chưa được xác định rõ ràng. Mô tả về bản tôn hoàn toàn vắng bóng trong các văn bản Ấn Độ như Mật Pháp Nghi Quỹ (Skt. Sadhanamala) và Viên Mãn Du Già Tùng Thư (Skt. Nishpannayogavali), vốn thường dùng để nhận diện bản tôn. Tuy vậy, miêu tả về ngài vẫn được tìm thấy trong kinh văn tiếng Tạng, tiếng Trung và tiếng Nhật. Một bản văn khác bằng tiếng Nepal dành cho khóa lễ Bất Không Quyến Sách Thế Tự Tại Vương (Amoghapasha Lokeshvara) cũng mô tả rõ hình tướng nổi tiếng nhất của ngài với tám tay. Theo Richard Otto Meisezahl (1906–1992), một học giả Tây Tạng học và Phật giáo Mật thừa người Đức, hiện tướng tám tay của bản tôn trong tạng Tanjur Tây Tạng có nguồn gốc từ Bengal và Kashmir. Theo đó, bản tôn được miêu tả rõ và đồng nhất với bốn tay phải cầm tràng hạt (akshamala), sợi dây bẫy (pasha), kết ấn “vô úy” (abhaya mudra) và ấn “thí nguyện” (varada mudra); bốn tay trái trì giữ hoa sen (padma), gậy đinh ba (tridandi), kinh điển (pustaka) và bình thủy (kamandalu).


Có thể giải thích vắn tắt ý nghĩa biểu tượng của hình tướng tám tay như sau. Ba mắt của Bồ-tát nhìn thấu tam thiên đại thiên thế giới. Tay phải đầu tiên kết ấn vô úy, bảo hộ chúng sinh khỏi mọi sợ hãi và đọa lạc vào các cõi ác. Tay phải thứ hai kết ấn thí nguyện, thể hiện rằng bất cứ ai phát khởi bồ-đề tâm (bodhichitta) vị tha vô ngã sẽ thành tựu mọi nguyện cầu. Tay phải thứ ba trì giữ sợi dây bất tận, đại diện cho phương tiện thiện xảo dẫn dắt chúng sinh si mê quay về chính đạo. Tay phải thứ tư cầm tràng hạt, biểu thị rằng nếu ai trì niệm Lục Tự Đại Minh “Om Mani Padme Hung” của Quán Thế Âm Bồ-tát sẽ thoát khỏi xiềng xích luân hồi. Tay trái đầu tiên cầm bình thủy, biểu trưng cho năng lực quán đỉnh, gia trì chúng sinh chứng đắc quả vị Phật. Tay trái thứ hai giữ cành sen, thể hiện rằng ngài sẽ giải phóng hữu tình đang chịu khổ địa ngục, tựa như hoa sen vươn mình thoát khỏi bùn tanh. Tay trái thứ ba giương gậy đinh ba, tịnh hóa tam độc tham, sân, si nơi tâm chúng sinh. Tay trái thứ tư trì giữ kinh điển, ngài truyền trao trí tuệ bát-nhã (prajna) cho những người kính tín, nhờ đó thoát vòng sinh tử. Bồ-tát khoác trên mình bộ da linh dương, tượng trưng cho lòng đại bi quảng đại, luôn khát khao cứu độ chúng sinh.


Amoghapasha (Unfailing Lasso) eight hands
Tranh Bất Không Quyến Sách Amoghapasha tám tay vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XIX. Xuất xứ Nepal. Rubin Museum of Himalayan Art.

Một số hình ảnh sơ kỳ về đức Bất Không Quyến Sách ở Nhật Bản cũng trì giữ ngọc như ý (chintamani). Tuy ngọc như ý là một pháp khí của Quán Thế Âm Bồ-tát, song nó thường được liên hệ tới đức Như Ý Luân Quán Âm Chintamanichakra Avalokiteshvara hơn. Dù vậy, một hiện tướng sáu tay của đức Bất Không Quyến Sách ở Ấn Độ, được nhắc đến trong Mật Pháp Nghi Quỹ với tên gọi An Úy Ngạ Linh Pretasantarpita, cũng trì giữ bảo châu như ý. Danh tự An Úy Ngạ Linh có thể dịch nôm na thành “khiến quỷ ma đói khát được yên vui”, và đây cũng là hạnh nguyện của đức Bất Không Quyến Sách.


Một trong những diễn tả cổ nhất về Bồ-tát ở Ấn Độ thế kỷ VIII–IX là bức tượng Bất Không Quyến Sách bốn tay ở Udayagiri (bang Andhra Pradesh). Tôn tượng thể hiện ngài khoác phục sức lộng lẫy và đội mũ miện ngọc. Con mắt thứ ba trên trán và linh ảnh A Di Đà Phật Amitabha trên đỉnh đầu tượng đã bị hư mòn nhiều. Chuỗi tràng và sợi dây bẫy được ngài cầm trên một tay phải, tay phải còn lại hạ xuống trong thủ ấn thí nguyện. So với hiện tướng tám tay, chỉ còn thiếu thủ ấn vô úy là đủ bộ. Bên trái, một tay bản tôn giơ cao bình thủy, tay còn lại đã gãy từ phần khuỷu.


Ngược lại, hiện tướng bốn tay khác của ngài ở Ratnagiri lại có dây bẫy cầm bằng tay trái. Bức tượng này có niên đại từ thế kỷ VIII, được tìm thấy trong một khoảnh rừng cây đa. Theo đó, bản tôn được thể hiện đứng trang nghiêm, hơi nghiêng người trên đài sen đôi (vishvapadma), tay phải đầu tiên hạ xuống kết ấn thí nguyện, tay phải còn lại cầm tràng hạt. Tay trái thứ nhất của ngài giơ cành sen trước ngực, tay trái còn lại giơ cao dây bẫy.


Amoghapasha (Unfailing Lasso) six hands
Tranh Bất Không Quyến Sách Amoghapasha sáu tay vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XIX. Xuất xứ Tây Tạng. Himalayan Art Resources.

Rõ ràng, ở khu vực Orissa thời kỳ này tồn tại hai hình thức chính để thể hiện Bồ-tát: một cách đặt dây bẫy vào tay phải, một cách đặt vào tay trái. Việc ghép thêm pháp khí vào một tay bất kỳ để tay ấy trì giữ đồng thời hai pháp khí cho thấy, đây là sự chuyển tiếp giữa hình tướng bốn tay lên nhiều tay hơn. Tiến trình tương tự được giáo sư Janice Leoshko nhận thấy trên một số bức tượng Bất Không Quyến Sách sáu tay thời Pala. Theo đó, chi tiết kinh điển được thêm vào một bàn tay trái, tạo nên nhóm bốn pháp khí/đặc điểm ở một bên; ở bên phải, minh châu như ý được thay thế bằng thủ ấn vô úy. Kinh điển và thủ ấn vô úy là hai đặc điểm của hình tướng tám tay, theo đúng mô tả trong các văn bản xưa.


Một số diễn tả sáu tay của Bồ-tát, trong đó một tay cầm dây bẫy, lại được tìm thấy ở Kurkihar (bang Bihar) và Amethi (bang Uttar Pradesh). Những bức tượng này có niên đại thế kỷ IX–X, thể hiện bản tôn mặc khố dhoti dài và quấn da linh dương chéo ngực. Tất cả đều được thể hiện với trang sức và mũ miện, đội linh ảnh Phật A Di Đà cỡ nhỏ trên đỉnh đầu. Có tượng còn trì giữ ngọc như ý trên một trong những tay phải.


Hình tượng Bồ-tát mười hai tay cũng được tìm thấy tại Nalanda và vùng Telhara gần đó. Mặc dù các tượng không hoàn toàn tương ứng với hình mẫu mười hai tay do Richard Otto Meisezahl miêu tả, vẫn có thể tìm thấy pháp khí dây bẫy trên một trong các tay trái. Các tượng ở Nalanda có niên đại thế kỷ VIII, còn ở Telhara là đầu thế kỷ X.


Hình Tượng Sơ kỳ ở Nepal và Tây Tạng


Amoghapasha (Unfailing Lasso) four hands
Tranh Bất Không Quyến Sách Amoghapasha ba đầu bốn tay vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XIX. Xuất xứ Tây Tạng. Himalayan Art Resources.

Ở Nepal, đức Bất Không Quyến Sách vừa là một trong những bản tôn phổ biến nhất, vừa là bậc hộ pháp cho Thung lũng Kathmandu. Tại đây, tôn tượng Bất Không Quyến Sách Thế Tự Tại Vương Amoghapasha Lokeshvara bằng đồng, với dấu vết mạ vàng và tô sơn, là một tác phẩm tiêu biểu cho vẻ đẹp cổ điển của nghệ thuật thời Licchavi (khoảng 300–879). Tư thế tribhanga duyên dáng (đầu hơi nghiêng về một bên, hông hơi đẩy sang bên còn lại) và tôn dung dịu dàng của Bồ-tát được thể hiện rất tinh tế. Phục sức trên thân bản tôn được giản lược tối đa để tôn lên đường nét cơ thể. Dây thiêng (upavita), tấm da linh dương và khăn quàng rủ tự nhiên trên thân hình trẻ trung, tràn đầy sức sống của ngài. Mười hai tay ngài xếp thành hình nan quạt, tựa như vầng hào quang tỏa quanh cơ thể. Toàn bộ tượng được đúc bằng đồng nguyên khối và mạ vàng — một kỹ thuật rất khó thực hiện. Thật không may, các cánh tay bị hư hại nhiều và phần lớn đã được tháo rời.


Mặc dù đức Bồ-tát rất nổi tiếng ở Nepal, hiện vật về ngài lại tương đối ít gặp ở Tây Tạng. Tuy nhiên, dựa vào dấu tích sơn vàng trên diện mặt, cổ và sơn xanh trên tóc, gần như chắc chắn là bức tượng nói trên từng được thờ phụng ở Tây Tạng trong một thời gian. Tượng ở Nepal không được sơn theo cách này. Biểu cảm trên tôn dung ngài thanh lịch và sống động, mũi cao, môi dưới dày, giữa các ngón tay có màng nối, đặc biệt là giữa ngón trỏ và ngón cái, là những chi tiết rất đặc trưng của triều đại Licchavi — bản thân chúng lại bắt nguồn từ tiêu chuẩn thẩm mỹ trong thời Gupta Ấn Độ.


Amoghapasha (Unfailing Lasso) twelve hands
Tranh Bất Không Quyến Sách Amoghapasha mười hai tay vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XVIII. Xuất xứ Tây Tạng. Himalayan Art Resources.

Trong mandala Thai Tạng Giới (Skt. Garbhakoshadhatu) Tây Tạng, đức Bất Không Quyến Sách ngự ở giữa hàng thứ ba trong Viện Quán Âm, mang mật hiệu Đẳng Dẫn Kim Cương. Tại đây, ngài hiện tướng sắc trắng với ba mặt và bốn tay, mỗi mặt đều có ba mắt, trên người khoác áo da nai. Trên tay trái ngài trì giữ pháp khí tiêu biểu nhất của mình là sợi dây bẫy. Có thể nhận ra ảnh hưởng từ Ấn Độ giáo lên hình tướng bản tôn từ chi tiết nhiều đầu và nhiều tay để biểu thị cho quyền năng siêu việt, tương tự hình tướng Maheshvara của thần Shiva.


Ở khu vực này, một số mandala và bố cục năm bản tôn được đặt tên là “Bất Không Quyến Sách Quán Âm”, mặc dù bản tôn ở trung tâm lại mang hình tướng Quán Thế Âm khác, chẳng hạn như Quán Âm Không Hành Khasarpana. Lý do cho sự nhập nhằng này đến từ quy ước đặt tên trong Phật giáo. Trong một số bản kinh tiếng Phạm có danh tự “Bất Không Quyến Sách” trong tiêu đề, cả Bồ-tát Quán Thế Âm và Bất Không Quyến Sách đều được đề cập và mô tả như hai bản tôn độc lập, với hình dáng và hạnh nguyện riêng biệt. Do đó, khi cả hai ngài cùng xuất hiện trong một bố cục, bất kể vị nào ngự ở vị trí trung tâm, bố cục ấy sẽ mang tên “Bất Không Quyến Sách”.


Hình Tượng Sơ Kỳ ở Trung Quốc và Nhật Bản


Ở hang đá Long Môn có một nhóm tượng Mật giáo niên đại thế kỷ VII–VIII, phản ánh ảnh hưởng từ Phật giáo Mật thừa do hoàng đế Võ Tắc Thiên bảo trợ. Tượng Bồ-tát tám tay ở đây có lẽ là một hình tướng cổ của đức Bất Không Quyến Sách. Bản thân Phật giáo thời kỳ này là một công cụ để củng cố địa vị chính trị và tính chính danh của bà cho ngôi hoàng đế. Bằng việc bảo trợ cho truyền thống Bất Không Quyến Sách và những hình tướng mật truyền khác của đức Quán Thế Âm (như Thiên Thủ và Thập Nhất Diện), Võ Tắc Thiên dường như muốn nương vào năng lực hộ quốc của bản tôn. Tư tưởng này được lặp lại ở Nhật Bản nửa thế kỷ sau đó, thể hiện rõ ở chùa Todai (Đông Đại Tự, nay thuộc thành phố Nara).


Cho đến nay, ta vẫn chưa tìm thấy bất cứ hình ảnh Bất Không Quyến Sách nào có niên đại cuối thế kỷ VII–đầu thế kỷ VIII ở Trung Quốc. Dấu tích duy nhất hiện nằm ở Hang 148 tại Đôn Hoàng, có niên đại năm 776. Tuy tôn tượng Bồ-tát đã bị thất lạc, nhưng bích họa miêu tả lợi ích của việc thờ phụng ngài vẫn còn đó.


Statue of Amoghapasha (Unfailing Lasso) in China
Tượng điêu khắc đá Bất Không Quyến Sách Quán Âm tại Hang 136, Bắc Sơn, huyện Đại Túc, Trùng Khánh. Niên đại 1142–1146, thời Nam Tống. Ảnh chụp © Luo Guojia.

Ở một trong những hang Mạc Cao gần Đôn Hoàng, người ta tìm thấy bức mandala Quán Âm Quyến Sách từ thế kỷ X. Trong mandala này, ngài ngự ở vị trí trung tâm, bên trong ngôi sao tám cánh. Bản tôn hiện tướng bốn tay, khoác trang sức ngọc và đội mũ miện, trì giữ sợi dây bẫy, hoa sen và tràng hạt. Trong Hang 136 ở hệ thống hang Bắc Sơn, huyện Đại Túc, thành phố Trùng Khánh, đức Bất Không Quyến Sách được thể hiện với tư thế an tọa, hiện sáu tay, trì giữ hai đĩa tròn (Nhật Quang và Nguyệt Quang Bồ-tát), bình bát, cành liễu, bảo kiếm và rìu.


Statue of Amoghapasha (Unfailing Lasso) in Japan
Tượng Bất Không Quyến Sách Quán Âm (Fukūkenjaku Kannon) tại chùa Todai, thành phố Nara, Nhật Bản. Niên đại thế kỷ VIII. Ảnh chụp © The Shimbi Shoin, 1915. Đứng bên cạnh Bồ-tát là hai vị thiên vương Phạm Vương Brahma và Đế Thích Indra.

Diễn tả cổ nhất về đức Bồ-tát ở Nhật Bản hiện được lưu tại Hokkedo (Pháp Hoa Đường), cũng gọi là Sangatsudo (Tam Nguyệt Đường), chùa Todai, thành phố Nara, với niên đại năm 748. Kiệt tác nghệ thuật này cao 3.62 mét, quang dung sống động, tròn trịa phúc hậu nhưng vẫn trang nghiêm. Tôn tượng được thể hiện với ba mắt và tám tay, bề mặt vẽ sơn mài theo lối Trung Hoa. Hai tay trọng yếu của ngài chắp búp sen trước ngực, trong lòng bàn tay là bảo châu như ý. Bốn tay trên trì giữ hoa sen, gậy tích trượng, phất trần và dây bẫy thú; hai tay dưới có lẽ kết ấn thí nguyện và vô úy. Mảnh vải phủ sơn mài che vai ngài tượng trưng cho da hươu. Bối quang, các tia hào quang và hoa văn lửa phía sau tượng được làm bằng kim loại. Bản tôn nhìn bề thế với những dải lụa gấp khúc quanh chân. Tôn tượng này được thực hiện theo thánh chỉ của hoàng đế Shomu (701–756) rằng mọi đền chùa thuộc cấp tỉnh phải thờ phụng Bồ-tát Bất Không Quyến Sách.


Trước đây, trong Daibutsuden (Đại Phật Điện) ở chùa Todai còn có một bức tranh cuộn khổng lồ vẽ hình Bất Không Quyến Sách. Riêng hình Bồ-tát đã cao tới hơn 10 mét, rộng hơn 7 mét. Bức tranh ra đời theo ý chỉ của hoàng hậu Koken (718–770) nhằm an ủi thân mẫu là cố hoàng thái hậu Komyo (701–760), bởi hoàng thái hậu rất sùng kính Bồ-tát Bất Không Quyến Sách. Theo thời gian, bức tranh đã không còn nữa, song hơn 1000 chữ viết quanh viền tranh đã được ghi chép lại.


Vào nửa đầu thế kỷ VIII, Daianji (Đại An Tự) từng là ngôi quốc tự quan trọng trước khi bị lu mờ bởi chùa Todai. Năm 752, một bức họa vẽ Đại Nhật Như Lai Vairochana (cao 30 thước, khoảng 10 mét) được đặt làm linh ảnh thờ tự chính, hai bên là tranh vẽ Bất Không Quyến Sách và Quán Thế Âm Bồ-tát (cao 15 trượng, khoảng 5 mét). Chưa hết, trong chùa còn thờ một bức Bất Không Quyến Sách tám tay bằng gỗ nguyên khối; pháp khí trong các bàn tay hiện đã không còn. Quang dung và thân thể Bồ-tát được tạo hình hoàn chỉnh, còn các sức trang hoàng và lụa phủ trên thân được chạm khắc tinh tế vào bề mặt. Phong cách tượng bề thế như vậy khá phổ biến trong các tác phẩm điêu khắc từ giữa đến cuối thế kỷ VIII ở chùa Todai và Toshodai (Đường Chiêu Đề Tự). Tạo hình Bất Không Quyến Sách tại Ratnagiri (bang Maharashtra, Ấn Độ) từ thế kỷ VIII–X đều có từ bốn đến sáu tay và không khoác da hươu — dường như không có mối liên hệ nào với những diễn tả Bồ-tát sơ kỳ ở Nhật Bản.


Đức Bồ-tát Bất Diệt của Lòng Từ Bi


Việc thờ phụng Bồ-tát Bất Không Quyến Sách Quán Âm bắt nguồn từ Ấn Độ, lan tỏa đến Đôn Hoàng, Tứ Xuyên, Nhật Bản và Đông Nam Á, vừa được tiếp thêm động lực từ văn hóa Himalaya, vừa chuyển mình thích nghi với truyền thống mỗi vùng miền. Mặc dù Bất Không Quyến Sách Đại Thừa Tâm Kinh cũng cung cấp cho ta các mô tả nhất định về tạo hình bản tôn và nghi thức thờ phụng, song thực tiễn áp dụng chứa đựng nhiều khác biệt lớn. Sự đa dạng trong hình tướng sơ kỳ của bản tôn bên ngoài Ấn Độ chứng minh rằng, đức Bồ-tát đã từng rất nổi tiếng và được thờ rộng khắp, không chỉ giới hạn trong những kinh văn còn sót lại. Việc Ấn Độ giáo trên đà phục hưng, rồi nối tiếp đó là cuộc xâm lược của người Hồi giáo vào đồng bằng sông Ấn–Hằng đã dẫn đến sự suy tàn của Phật giáo vào thế kỷ XII. Hàng loạt tự viện Phật giáo bị phá hủy và rất nhiều tăng sỹ Phật giáo bị giết hại đã đặt dấu chấm hết cho hình tượng Bất Không Quyến Sách ở chính nơi khởi thủy.


Tuy nhiên, đức Bồ-tát không vì thế mà diệt vong. Gót sen của ngài vẫn còn nguyên vẹn bên ngoài tiểu lục địa Ấn Độ, vẫn đang in dấu lên văn hóa Phật giáo Nhật Bản, Trung Quốc và Nepal. Dù xuất hiện ở bất cứ đâu và trong bất kỳ hình tướng nào, Bồ-tát Bất Không Quyến Sách vẫn luôn là đức từ phụ đại bi, sẵn sàng dùng sợi dây như ý cứu vớt chúng sinh trong biển luân hồi, kéo họ lên bờ giải thoát.


 

Dịch và biên khảo: Jigme


Tư Liệu Tham Khảo


  1. Barua, Ankur, and M.A. Basilio. 2009. Iconography of Amoghapāśa: The Bodhisatta of Compassion. Hong Kong.

  2. Shakya, Min Bahadur. 1990–1991. “Iconography of Amoghpasa Lokeshvara.” Buddhist Himalaya: A Journal of Nagarjuna Institute of Exact Methods, Vol. III, No. I & II. Accessed December 10, 2024. https://buddhism.lib.ntu.edu.tw/FULLTEXT/JR-BH/bh117507.htm

  3. Watt, Jeff. 2008. “Buddhist Deity: Amoghapasha.” Himalayan Art Resources. Updated April 2011, April 2017, and December 2019. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=568

  4. Watt, Jeff. 2008. “Buddhist Deity: Amoghapasha Iconography.” Himalayan Art Resources. Updated April 2011, April 2017, and December 2019. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=5898

  5. Watt, Jeff. 2008. “Buddhist Deity: Amoghapasha Religious Context.” Himalayan Art Resources. Updated April 2011, April 2017, and December 2019. Accessed December 10, 2024. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=5900

Commentaires

Noté 0 étoile sur 5.
Pas encore de note

Ajouter une note

Đăng Ký

Để đón đọc các bài viết mới nhất từ SonMani

bottom of page