Khai Nhãn Quán Âm Migchey Chenrezig
- Jigme
- 4 thg 1
- 8 phút đọc
Đã cập nhật: 4 thg 1
Khi đến thăm tự viện Gandan ở Ulaanbaatar ngày nay, thật khó để bỏ qua bức tượng Bồ-tát Quán Thế Âm Avalokiteshvara bốn tay khổng lồ. Bức tượng không mang hiện tướng Tứ Thủ Lục Tự Sadakshari thường gặp mà thể hiện khía cạnh ít người biết đến hơn của ngài — Khai Nhãn Quán Âm Migchey Chenrezig.

Đi Tìm Dấu Chân Bồ-tát Khai Nhãn Quán Âm
Trong tiếng Tạng, hồng danh Bồ-tát là Migchey (Tib. mig ’byed), mang nghĩa “mở mắt”. Tuy nhiên, cụm từ này thường được hiểu theo nghĩa rộng hơn là giúp cho con mắt sáng ra hay chữa trị các bệnh lý về mắt. Danh tự tiếng Tạng trở thành nguyên mẫu cho tên của Bồ-tát trong tiếng Mông Cổ: Migjid Janraisig. Tượng Bồ-tát Migjid Janraisig bằng đồng mạ vàng nói trên là một trong những thánh tượng linh thiêng nhất tự viện Gandan. Tượng cao 25,6 mét, đúc năm 1911–1913 theo ý chỉ của đức Bogd Gegen đời thứ VIII (1869–1924) — bậc lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng ở Mông Cổ, chỉ đứng sau đức Dalai Lama và Panchen Lama. Tương truyền, tôn tượng được khởi dựng để chữa mắt cho ngài hoặc cho anh/em ngài là đức Choijin Lama. Từ góc độ tôn giáo, tôn tượng Bồ-tát Khai Nhãn có năng lực hóa giải chướng ngại tâm linh và chữa lành thân bệnh. Từ phương diện chính trị, công trình này là một biểu tượng của quốc gia Mông Cổ độc lập. Về sau, trong khoảng năm 1937/1938–1943, tôn tượng bị tháo rời và di chuyển khỏi vị trí cũ. Chính điện còn nguyên vẹn, nhưng thánh tượng đã mất đi. Sau cuộc Cách mạng Dân chủ ôn hòa ở Mông Cổ, năm 1991, chính quyền lên kế hoạch phục dựng tôn tượng và hoàn thành sau đó năm năm. Năm 1996, bức tượng mới được hoàn thiện và an vị ở địa điểm cũ.

Nhìn vào những dữ kiện lịch sử này, hẳn nhiều người sẽ coi bức tượng gốc ở Mông Cổ là khởi nguyên của hiện tướng Khai Nhãn Quán Âm. Tuy nhiên, người ta tìm thấy nhiều bằng chứng khác cho thấy, việc thờ phụng hình tượng Bồ-tát Khai Nhãn vốn thịnh hành từ trước khi tôn tượng ra đời. Nằm trong số này là các hiện vật do thám hiểm gia người Áo Hans Leder (1843–1921) sưu tầm được khi ông tới Mông Cổ vào lúc giao thời giữa thế kỷ XIX và XX — ông thực hiện chuyến đi cuối cùng vào năm 1904/1905. Trong số những hiện vật của Hans, người ta tìm thấy vài bức tranh vẽ Khai Nhãn Quán Âm. Đây là bằng chứng xác nhận rằng đức Bồ-tát đã được thờ phụng và thực hành từ trước khi có tượng Migjid Janraisig. Tuy tranh và tượng Bồ-tát Khai Nhãn giữ vị trí quan trọng trong Phật giáo Mông Cổ và Đông Tây Tạng, dấu chân của ngài hầu như không xuất hiện ở miền Trung Tây Tạng.
Dấu Tích trong Văn Bản và Thực Hành
Việc truy nguyên tư liệu bằng chữ về miêu tả bản tôn cũng không có kết quả khả quan. Ngoại lệ duy nhất là thư tịch của đức Byangchub Tenpe Dronme (1861–1933/1935; Tib. byang chub bstan pa’i sgron me), sư trụ trì đời thứ 71 ở tự viện Kumbum, tỉnh Amdo, Tây Tạng. Ngài đã biên soạn hai tác phẩm ngắn (song không rõ niên đại): nghi lễ thỉnh nguyện thượng sư trụ thế với sự trợ duyên của Bồ-tát Khai Nhãn Quán Âm, và nghi thức quán đỉnh bình của chính đức Bồ-tát. Nghi thức quán đỉnh bao hàm cả mục quán tưởng bản tôn, nội dung như vắn tắt như sau.

Từ tính không, đức Bồ-tát khởi hiện từ chủng tử tự Hrih trắng. Toàn thân ngài sắc trắng, tựa như núi pha lê. Quang dung ngài bình an và mỉm cười như trăng rằm. Ngài đứng thẳng trên đài sen và nguyệt luân, khoác thiên y lụa, trang sức ngọc và vắt chéo vai trái một tấm da linh dương. Trên đỉnh đầu ngài, ngài đội linh ảnh đức Phật A Di Đà Amitabha cỡ nhỏ. Ngài hiện tướng bốn tay, hai tay chính kết ấn “khai nhãn” bằng tịnh thủy ở trước tim, có năng lực phục hồi thị lực. Trên tay phải thứ hai, bản tôn trì giữ bình cam lộ bằng bạc, có khả năng rửa trôi mọi bụi trần trong mắt. Trên tay trái thứ hai, Bồ-tát cầm chiếc gương bạc để cử hành nghi lễ tịnh hóa tam thiên và quốc độ Phật. Nước cam lộ trong bình bạc cũng dùng để ngài tráng gương. Bằng cách này, mọi bất thiện nghiệp và chướng ngại (Tib. sdig sgrib) của hết thảy hữu tình đều được tiêu trừ, đặc biệt là những bệnh liên quan đến mắt đều được lành lặn. Theo đức Byangchub Tenpe Dronme, pháp tu Khai Nhãn Quán Âm chính là “tàng pháp” (terma) của đức Nyangral Nyima Ozer (1136–1204; Tib. Mnga’ bdag nyang ral nyi ma ’od zer). Ngài cũng chép rằng giáo pháp này thịnh hành trong mọi truyền thống Phật giáo.
Byangchub Tenpe Dronme là một nhân vật tôn giáo quan trọng ở miền Đông Tây Tạng. Ngài được đào tạo về y khoa, tham gia tích cực vào việc giảng dạy và điều hành khoa y dược ở tự viện Kumbum, và từng nhiều lần đến Mông Cổ và Trung Quốc. Suốt cuộc đời, ngài đã chữa trị cho nhiều người bằng thuốc men và y học, song chính ngài cũng đồng thời áp dụng các khóa lễ chữa lành. Trong khóa lễ cầu thỉnh thượng sư trụ thế (Tib. zhabs brtan) năm 1925, ngài và các đồng sự vừa bày biện dược liệu thuốc men, vừa chuẩn bị năm linh ảnh Bồ-tát Khai Nhãn Quán Âm. Năm 1929, ngài thậm chí còn đặt vẽ một bức thangka miêu tả một trăm bản tôn Khai Nhãn bằng vàng (Tib. gser bris brgya thang).

Rất có thể Byangchub Tenpe Dronme biết đến Bồ-tát Khai Nhãn từ tác phẩm Bebum Karpo (Tib. Be’u bum dkar po) do đức Rinchen Gyatso (Tib. Rin chen rgya mtsh) trước tác, hoặc từ một số công trình khác thuộc truyền thừa Nyingma. Trong chuyên luận y khoa Bebum Karpo, đức Rinchen Gyatso đã trình bày phương pháp phục hồi thị lực bằng cách nương vào bậc Đại Bi Mahakarunika (cũng là Bồ-tát Quán Thế Âm). Theo đó, người thực hành nên thức dậy vào buổi sáng tinh mơ, khi loài quạ chưa kịp cất tiếng kêu đầu tiên. Hành giả cần thực hành quy y và phát bồ-đề tâm giác ngộ vì lợi ích của hết thảy chúng sinh. Kế đó, thiền định về tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) và quán hòa tan đối tượng thiền định vào tính không bằng chân ngôn Hư Không Tạng (svabhava mantra). Hành giả quán tưởng đài sen khởi hiện từ chủng tử tự Pam, đĩa mặt trăng từ chủng tử tự A, và ánh sáng tỏa ra từ chủng tử tự Hrih trắng. Hành giả hòa tan tâm thức mình vào chủng tử tự Hrih và quán tự thân thành đức Đại Bi Bồ-tát sắc trắng trong tư thế đứng, có một mặt và bốn tay. Cặp tay chính của ngài kết ấn khai nhãn, đầu ngón áp út phải ấn vào gốc ngón áp út trái — thủ ấn theo đúng miêu tả này được thể hiện trên một số thangka vẽ Bồ-tát Khai Nhãn Quán Âm. Ngài trì giữ bình cam lộ bằng bạc trắng trên tay phải và gương bạc trắng trên tay trái còn lại. Tiếp đến, hành giả trì tụng chân ngôn Bồ-tát một nghìn lần, dẫn dắt chân ngôn lưu chuyển về gốc ngón áp út trái, đồng thời dùng ngón áp út phải khuấy tinh chất có sẵn để chấm lên mắt phải. Để chấm mắt trái, hành giả dùng đầu ngón tay trái.
Bên cạnh tác phẩm này, ta cũng bắt gặp pháp thực hành tương tự trong mọi truyền thống Phật giáo Tây Tạng, bao gồm các dòng Sakya, Kargyu, Nyingma và Gelug. Vẫn có khác biệt nhất định trong phương pháp thực hành cụ thể, tác giả và nơi phát lộ, song bậc “khai pháp bảo” (Tib. gter ston) tìm ra giáo pháp này thường được đồng thuận là đức Nyangral Nyima Ozer. Tài liệu cổ nhất nhắc đến pháp này có niên đại thế kỷ XIV. Đến thế kỷ XVII, rất có thể nó được dung nạp vào tài liệu y khoa của truyền thừa Gelug.

Dù chưa tỏ tường quá trình giáo pháp hoằng truyền sang Mông Cổ, ta vẫn có thể phỏng đoán một cách hợp lý rằng, khoa y dược trong các tự viện Gelug tỉnh Amdo giữ vai trò trọng yếu cho diễn tiến ấy. Tự viện không chỉ phổ biến tri thức y học mà còn thúc đẩy việc thờ cúng hình tượng Bồ-tát Khai Nhãn Quán Âm. Có lẽ dòng chảy này cũng không xuôi một chiều, mà còn chịu tác động qua lại bởi những biến động ở Nội–Ngoại Mông, cũng như bởi sự độc lập của đất nước Mông Cổ sau này. Sự nghiệp của đức Byangchub Tenpe Dronme — một y sỹ và tu sỹ trứ danh — cũng giúp ta sáng tỏ đôi điều. Bằng việc sáng tác chuyên luận và đặt vẽ tranh Khai Nhãn Quán Âm, ngài trở thành bậc bảo trợ và lan tỏa hình tượng Bồ-tát. Có lẽ ở Mông Cổ và Tây Tạng nửa sau thế kỷ XIX, người ta có xu hướng lược bớt nội dung thuần y học và chú trọng hơn vào khía cạnh tâm linh.
Đức Bồ-tát Khai Nhãn Chúng Sinh
Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ phát triển, từ một phương pháp chữa bệnh được miêu tả trên giấy, hiện tướng Khai Nhãn Quán Âm dần dà trở thành một hình tượng tôn giáo quan trọng, rồi sau đó là biểu tượng cho một quốc gia độc lập. Vượt trên tất cả, ngài đại diện cho ước vọng của tất cả chúng sinh — làm sao rửa sạch bụi trần và mở to con mắt tuệ để nhìn thấu bản chất thực sự của luân hồi, để nhận ra nẻo đường giác và vững tin cất bước đi trên.
Tác giả: Olaf Czaja
Lược dịch và biên khảo: Jigme
Tư Liệu Tham Khảo
Czaja, Olaf. “The Eye-Healing Avalokiteśvara. A National Icon of Mongolia and Its Origin in Tibetan Medicine.” Charles Ramble and Ulrike Roesler (Eds.). Tibetan and Himalayan Healing. An Anthology for Anthony Aris., 2015.
Watt, Jeff. “Buddhist Deity: Avalokiteshvara, Eye Clearing.” Himalayan Art Resources, 2013. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=1948
Comments