Ngự Tam Thế Tự Tại Vương Hari Hari Hari Vahana Lokeshvara
- Jigme
- 10 thg 2
- 7 phút đọc
Đã cập nhật: 17 thg 2
Ngự Tam Thế Tự Tại Vương (Skt. Hari Hari Hari Vahana Lokeshvara) là một hiện thân độc đáo của đức Quán Thế Âm Avalokiteshvara, bậc Bồ-tát của lòng từ bi vô hạn. Xuất hiện trong một bố cục phân tầng, bản tôn ngồi trên vai thần Vishnu, thần cưỡi trên Kim Sí Điểu Garuda (vua của muôn chim), chim đứng trên lưng sư tử (thú luân của Bồ-tát Quán Thế Âm), và dưới chân sư tử có Long Vương Takshaka (vua rắn naga) nâng đỡ. Bố cục năm tầng này tượng trưng cho sự siêu việt của đức Quán Thế Âm trong tam giới: thiên không, mặt đất và dưới mặt đất. Được đặc biệt kính ngưỡng trong Phật giáo Nepal, Ngự Tam Thế Tự Tại Vương cũng nêu biểu cho sự thống nhất, hòa hợp và sức mạnh chuyển hóa của lòng từ bi.

Nguồn Gốc và Xuất Xứ
Bản tôn Ngự Tam Thế Tự Tại Vương có uyên nguyên từ thần thoại ở thung lũng Kathmandu, Nepal. Theo truyền thuyết, thung lũng này từng là một hồ nước rộng lớn, mang tên Nagarhah. Bằng cách cắt đứt những ngọn đồi quanh đèo Chobar, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi Manjushri đã rút cạn nước hồ, tạo nên vùng đất màu mỡ cho người dân sinh sống. Tuy nhiên, hành động này lại phá vỡ môi trường sống của các vị vua naga (nagaraja) vốn lâu đời cư trú dưới hồ. Hầu hết các long vương đã được Bồ-tát Phổ Hiền Vương Samantabhadra xoa dịu, song Takshaka — vị long vương quyền lực nhất trong số ấy — vẫn giữ lòng oán hận căm thù và là nguồn cơn của bao tàn hoại.

Tức giận khi mất đi lãnh địa của mình, Takshaka tạo ra nhiều tai họa và tìm cách giết hại người dân, khiến cho chúng sinh lầm than khổ sở. Vậy nhưng, nghiệp quả luôn có cách vận động của riêng mình. Nghiệp chướng từ những hành động bất thiện khiến ông bị mắc bệnh phong, toàn thân đau đớn không sao kể xiết. Trong niềm hối hận sâu sắc, Takshaka thành tâm cầu nguyện lên đức Quán Thế Âm, xin ngài rủ mắt từ cứu độ. Đức Bồ-tát đại bi cảm ứng và chữa lành thân bệnh của ông, ban cho ông cơ hội để ăn năn và cải tà quy chính. Tuy nhiên, câu chuyện của long vương Takshaka chưa dừng lại ở đó.
Một ngày nọ, khi vị long vương đang tắm nắng trên bờ sông, Kim Sí Điểu Garuda tình cờ bay ngang qua. Thoáng thấy vua rắn naga to lớn nhưng trông yếu ớt dưới cánh mình, Garuda tấn công và tìm cách ăn thịt ông. Một trận chiến long trời lở đất diễn ra giữa hai đối thủ ngang tài, song Garuda dần bị yếu thế và suýt bị kéo xuống mặt nước. Trong cơn tuyệt vọng, Garuda cầu cứu thần Vishnu, khiến thần giáng trần và lăm lăm muốn chém đứt đầu long vương bằng đĩa chakra sắc bén. Trong tình thế nguy cấp ấy, Takshaka một lần nữa chí thiết chí thành cầu nguyện tới Quán Thế Âm Bồ-tát. Linh ứng trước lời thỉnh cầu này, đức Quán Thế Âm tức thời xuất hiện, uy nghi cưỡi trên lưng sư tử trắng.
Sự hiện diện của bậc Bồ-tát đại từ đại bi xua tan mọi thù địch, khiến cho Vishnu, Garuda và Takshaka cùng cúi đầu, rạp mình đỉnh lễ ngài trong niềm tôn kính lớn lao. Để thể hiện lòng quy phục và đoàn kết, thần Vishnu tự nguyện làm tòa ngồi cho đức Quán Thế Âm, Garuda chấp nhận sư tử làm thú luân của mình, và Takshaka tự mình nâng đỡ sư tử. Khoảng khắc hòa hợp khó tin ấy đã tạo nên hiện tướng Ngự Tam Thế Tự Tại Vương Hari Hari Hari Vahana Lokeshvara — một biểu tượng của hòa bình, hóa giải mọi thế lực xung đột nhờ lòng từ bi vô hạn của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Hồng Danh và Ý Nghĩa Biểu Tượng của Ngự Tam Thế Tự Tại Vương
Trong tiếng Phạm, thuật ngữ “Hari” là một biệt danh thường gặp của thần Vishnu (Narayana), tuy nhiên bản thân nó cũng có thể được áp dụng cho vật cưỡi, chẳng hạn như sư tử, chim hoặc ngựa. Do đó, “Hari Hari Hari Vahana” có thể dịch nôm na thành “Sư tử (Hari), Garuda (Hari), Vishnu (Hari), thú luân (Vahana) của Thế Tự Tại Vương Lokeshvara”.

Ý nghĩa biểu tượng của Ngự Tam Thế Tự Tại Vương rất thâm sâu và đa tầng. Về cơ bản, hiện tướng hợp thể này biểu thị rằng Quán Thế Âm Bồ-tát là đấng “Chí tôn vô thượng”, là bậc siêu phàm mà ngay cả thần Vishnu — người bảo hộ cho vũ trụ — cũng phải cúi đầu. Ba loài vật cưỡi đại diện cho “tam thế” là thiên không, mặt đất và dưới mặt đất. Theo đó, Garuda là chúa tể của bầu trời, sư tử là chúa tể trên mặt đất và Takshaka là chúa tể dưới mặt đất.
Bản thân mỗi nhân vật trong hợp thể cũng bao hàm nhiều ý nghĩa sâu sắc. Ở dưới cùng là long vương Takshaka, vị vua naga đại diện cho các thế lực nguyên thủy vẫn ngầm hiện diện bên dưới mặt đất. Thân rắn uốn mình, quấn quanh chân sư tử biểu trưng cho xúc tình bản năng và nghiệp chướng cần được chuyển hóa thông qua thực hành tâm linh. Sư tử đứng trên Takshaka tượng trưng cho sức mạnh, lòng can đảm và sự bình ổn trên mặt đất. Việc xuất thân là thú luân của đức Quán Thế Âm còn khiến ta liên hệ sư tử với năng lực vượt thoát chướng ngại và hộ trì hữu tình trên cõi trần thế của Bồ-tát.
Đứng trên lưng sư tử, Kim Sí Điểu Garuda hiện thân cho lãnh địa thiên không và sức mạnh lớn lao của thần thánh. Chim thần thường được thể hiện đang nắm chặt thân rắn bằng móng vuốt, biểu trưng cho sự khuất phục vô minh và các thế lực ác độc. Cưỡi trên Garuda, thần Vishnu đại diện cho quyền năng thiêng liêng và là đấng bảo hộ cho trật tự vũ trụ. Sự hiện diện của thần phần nào phản ánh năng lực siêu việt và khả năng thâu tóm vũ trụ quan Phật giáo và Ấn Độ giáo của Bồ-tát Quán Thế Âm.
Trên đỉnh hợp thể, đức Quán Thế Âm Avalokiteshvara hiện ra sáng ngời, rạng rỡ trong hình tướng tám tay sắc trắng Mahavajranatha, “Đấng chí tôn bất diệt”. Bản tôn được trang hoàng bởi thiên y lụa là và phục sức đá quý, tám tay kết ấn và trì giữ các pháp khí khác nhau. Trên tay phải đầu tiên, ngài kết ấn “vô úy” (abhaya mudra) trước tim (bảo hộ khỏi mọi sự sợ hãi), ba tay phải còn lại cầm tràng hạt (rèn luyện tâm linh), gậy đinh ba (diệt trừ tam độc, dung hợp tam thân) và kết ấn “thí nguyện” (varada mudra) bình an (ban ơn mầu cứu độ). Trên tay trái đầu tiên, ngài cầm bình thủy bằng vàng ở ngang hông (quán đỉnh gia trì), các tay trái còn lại cầm kinh sách (trí tuệ bát-nhã), dây thòng lọng (kéo dắt chúng sinh về nẻo giác) và cành hoa sen (Phật tính thanh tịnh vô nhiễm trong mỗi hữu tình). Trên thực tế, trong điêu khắc và hội họa, hình tướng Bồ-tát không thực sự nhất quán về màu sắc, số tay và pháp khí trì giữ. Tùy theo nơi chốn và truyền thống, những đặc điểm này có thể khác nhau ít nhiều.
Hợp thể phân tầng — long vương Takshaka, sư tử, Kim Sí Điểu Garuda, Vishnu và Bồ-tát Quán Thế Âm — minh họa cho sự khuất phục dần dần bản ngã và các tập khí bất thiện, hướng đến mục đích cao cả hơn là lòng đại bi vô ngã. Câu chuyện về sự ăn năn của long vương Takshaka, sự quy hàng của Garuda và sự dâng hiến của thần Vishnu nêu bật một thông điệp mạnh mẽ: lòng trắc ẩn luôn chiến thắng hận thù. Đây cũng chính là con đường tâm linh chân chính, là ý nghĩa tối hậu của hiện tướng Ngự Tam Thế Tự Tại Vương.
Biểu Tượng của Lòng Từ Bi Bất Diệt
Vượt trên tất cả, hình tượng Ngự Tam Thế Tự Tại Vương là minh chứng cho lòng đại bi vô biên của đức Quán Thế Âm Bồ-tát. Nhiều thế kỷ qua, ngài luôn được người dân Kathmandu hết mực kính ngưỡng, là bậc hộ trì chúng sinh tôn quý của Phật giáo Nepal. Thông qua những di sản trong tranh tượng và thần thoại, bản tôn là hiện thân sống động cho tiềm năng tối thượng của lòng từ bi: vượt qua xung đột, hòa hợp tâm linh, dẫn dắt hữu tình lên bờ giải thoát.
Dịch và biên khảo: Jigme
Tư Liệu Tham Khảo
Beer, Robert. Bách Khoa Toàn Thư Biểu Tượng và Hoa Văn Mật Tạng. Hà Nội: Đông A Books và NXB Dân Trí, 2024.
Beer, Robert. “Hari Hari Hari Vahana Lokeshvara.” Tibetan Buddhist and Newar Tantric Art. Accessed February 10, 2025. https://www.tibetanart.com/Product.asp?PID=38
Bhattacharya, Benoytosh. The Indian Buddhist Iconography. Calcutta: Firma K.L. Mukhopadhyay, 1958. “Bodhisattva Avalokiteśvara.”
Watt, Jeff. “Buddhist Deity: Avalokiteshvara, Hari Hari Hari.” Himalayan Art Resources, April 2010. Updated August 2017, August 2018. Accessed February 10, 2025. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=2300
Wisdom Library. “Harihariharivahana.” Wisdom Library. Accessed February 10, 2025. https://www.wisdomlib.org/definition/harihariharivahana
Comments