top of page

Như Ý Châu Thế Tự Tại Vương Chintamani Lokeshvara

  • Ảnh của tác giả: Jigme
    Jigme
  • 13 thg 2
  • 4 phút đọc

Đã cập nhật: 6 thg 3

Như Ý Châu Thế Tự Tại Vương (Skt. Chintamani Lokeshvara) là một hiện tướng độc đáo của Bồ-tát Quán Thế Âm trong văn hóa Nepal. Chữ “Như Ý Châu” trong hồng danh của ngài chính là viên ngọc như ý huyền thoại, có năng lực thành tựu mọi nguyện cầu về sức khỏe, thịnh vượng, hạnh phúc và bình an. Bởi vậy, ngài cũng là hiện thân cho lý tưởng vị tha, gia hộ cho chúng sinh viên mãn mọi nhu cầu vật chất và tinh thần.


Chintamani Lokeshvara thangka painted on canvas, from Nepal.
Thangka Như Ý Châu Thế Tự Tại Vương vẽ trên vải. Không rõ niên đại. Xuất xứ Nepal. Himalayan Art Resources.

Khởi Nguyên của Hình Tượng Như Ý Châu Thế Tự Tại Vương


Stone tele of Chintamani Lokeshvara from Nepal.
Bia đá diễn tả Như Ý Châu Thế Tự Tại Vương. Niên đại thế kỷ XVI. Xuất xứ Nepal. Thuộc sở hữu cá nhân. Trong bố cục này, bản tôn đứng ở bên phải, tay trái nắm lấy cành cây như ý, tay phải trao nụ hoa như ý cho thiên nhân đang quỳ. Bên cạnh ngài là đức Độ Mẫu Tara (trung tâm) và đức Liên Hoa Thủ (bên trái). Bố cục ba bản tôn như vậy rất hiếm gặp trong điêu khắc đá.

Phật giáo Đại Thừa, với trọng tâm là lý tưởng Bồ-tát đạo cứu độ tha nhân, đóng vai trò quan trọng trong sự ra đời và phát triển của Như Ý Châu Thế Tự Tại Vương. Chính khái niệm về Bồ-tát — một chúng sinh giác ngộ nhưng tự trì hoãn niết-bàn (nirvana) cá nhân để thiện xảo cứu giúp hữu tình — đã tạo điều kiện cho việc hình thành nên nhiều hiện tướng Quán Thế Âm, trong đó có đức Như Ý Châu Bồ-tát. Sự hiện hữu của ngài trong truyền thống Phật giáo Nepal phần nào nêu bật tầm ảnh hưởng của Phật giáo Đại Thừa trong việc định hình các biểu tượng tâm linh và nghi lễ tại địa phương.


Trong Phật giáo, viên minh châu như ý (Skt. chintamani) vừa biểu thị cho lòng từ bi vô hạn của bậc Bồ-tát, vừa đại diện cho trí tuệ bất khả tư nghị của ngài — ân phúc ngài ban cho chúng sinh không chỉ là sự sung túc về vật chất, mà còn là sự giàu có trong tinh thần. Nhìn sâu hơn, viên ngọc như ý còn tượng trưng cho Phật tính sẵn có trong mỗi chúng sinh, bản nguyên vốn thanh tịnh vô nhiễm, là hạt giống bất hoại giúp ta vun trồng trí tuệ giác ngộ và chứng thành Phật quả.


Vì lẽ đó, hình tượng minh châu như ý trên tay Bồ-tát Quán Thế Âm khi ngài kết ấn “thí nguyện” (varada mudra), thủ ấn của sự bố thí tối thượng, càng phản ánh rõ hạnh nguyện bất di bất dịch của ngài: cứu khổ, độ mê, ban trải hạnh phúc thế gian và truyền trao trí tuệ giải thoát.


Tôn Dung trong Nghệ Thuật Nepal


Chintamani Lokeshvara thangka painted on canvas by Lok Chitrakar, from Nepal.
Thangka Như Ý Châu Thế Tự Tại Vương do họa sỹ Lok Chitrakar vẽ trên vải năm 2005. Xuất xứ Nepal. Ảnh chụp © Ashish Dhakal. Trong bức tranh này, Bồ-tát và Minh phi đang bố thí cho những chúng sinh xung quanh.

Ở tịnh xá Macchandar Vahal trong thung lũng Kathmandu, Nepal, có một trăm lẻ tám hình tướng Bồ-tát Quán Thế Âm vẽ trên phiến gỗ với tuổi đời ít nhất 300 năm, liệt kê đầy đủ danh tự của các vị bằng tiếng Nepal. Trong đó, phiến gỗ số 94 khắc tên “Như Ý Châu Thế Tự Tại Vương”, thể hiện Bồ-tát có một mặt và hai tay, đứng thẳng trên đài sen. Tại đây, ngài được diễn tả với tay phải nâng bảo tháp nhỏ (chaitya), tay trái đặt ngang hông, không trì giữ pháp khí. Tuy nhiên, trong thangka và tranh tượng thực tế, bản tôn xuất hiện với bối cảnh, tư thế và pháp khí không giống miêu tả này.


Phổ biến nhất, Bồ-tát Như Ý Châu được thể hiện với nước da trắng sáng như trăng rằm mùa thu, trẻ trung như một thiếu nam mười sáu tuổi, quang dung dịu dàng và mỉm cười từ ái. Ngài có một mặt và hai tay, đứng trong tư thế tribhanga (đầu nghiêng về một bên, hông đẩy về bên còn lại) trên nguyệt luân và đài sen, chân phải bước lên phía trước. Phía bên trái ngài mọc lên một cây như ý cành lá sum sê, trĩu quả như ý. Ngài giơ tay trái nắm lấy cành cây, tay phải hạ xuống kết ấn “thí nguyện” ban phúc lành, đồng thời cầm viên minh châu như ý nhỏ giữa ngón trỏ và ngón cái. Bản tôn được trang hoàng bởi thiên y lụa và trang sức ngọc. Ngài vắt da nai chéo vai trái — một đặc điểm tiêu biểu của các hóa thân Quán Thế Âm.


Hình tượng Bồ-tát Như Ý Châu xuất hiện rộng rãi trong văn hóa Nepal, từ tranh gỗ chạm khắc khảm đá quý, tượng đá, tượng đồng, cho đến thangka vẽ trên vải. Trong tâm khảm người dân bản địa, ngài luôn được kính ngưỡng như một biểu tượng của lòng từ bi, của thịnh vượng thế tục và viên mãn tâm linh.


Bejeweled plaque of Chintamani Lokeshvara, from Nepal.
Tranh cẩn đá quý Như Ý Châu Thế Tự Tại Vương. Niên đại thế kỷ XIX. Xuất xứ Nepal. Chhatrapati Shivaji Maharaj Vastu Sangrahalaya (CSMVS) Museum, Mumbai.
 

Dịch và biên khảo: Jigme


Tư Liệu Tham Khảo


  1. Beer, Robert. “Chintamani Lokeshvara.” Tibetan Buddhist and Newar Tantric Art. Accessed February 13, 2025.

    https://www.tibetanart.com/Product.asp?PID=15

    https://www.tibetanart.com/Product.asp?PID=397

  2. Bhattacharya, Benoytosh. The Indian Buddhist Iconography. Calcutta: Firma K.L. Mukhopadhyay, 1958. “108 Forms of Avalokiteshvara.”

  3. Indian Culture. “Chintamani Lokeshvara.” Accessed February 13, 2025. https://www.indianculture.gov.in/artefacts-museums/chintamani-lokeshvara

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

Đăng Ký

Để đón đọc các bài viết mới nhất từ SonMani

bottom of page