Quán Thế Âm Avalokiteshvara
- Jigme
- 17 thg 11, 2024
- 11 phút đọc
Đã cập nhật: 1 thg 4
Đức Quán Thế Âm Avalokiteshvara là một trong những bậc Bồ-tát (bodhisattva) nổi tiếng nhất lịch sử Phật giáo, xuất hiện rộng rãi trên tranh, tượng và hiện vật tâm linh. Ngoài tên gọi thường gặp, ngài còn mang nhiều hồng danh khác, mỗi tên lại ứng với một ý nghĩa biểu tượng, công hạnh và năng lực hộ trì chúng sinh của ngài.

Phần I: Từ Nguyên và Lịch Sử Bồ-tát Quán Thế Âm
Quán Âm, Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại?
Khi truy nguyên hồng danh của đức Bồ-tát, ta bắt gặp một sự biến đổi thú vị trong ngữ nghĩa và tiến trình chuyển tự Sanskrit–Hán. Dấu tích sớm nhất của tên ngài là Avalokitasvara, ghép từ các chữ ava (“bên dưới”), lokita (“nhìn, quan sát”) và svara (“âm thanh”). Hợp lại, cả cụm có thể dịch nôm na thành “người rủ mắt nhìn xuống quán sát âm thanh”. Trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh (Skt. Vimalakirti Nirdesha Sutra), ngài Chi Khiêm đã dịch rất chính xác hồng danh Avalokitasvara thành “Quán Âm” từ thế kỷ III.
Phân tích sâu hơn, lokita là quá khứ phân từ của lok (“nhìn, quan sát”), mà bản thân lok lại là từ nguyên của loka (“thế giới”). Chữ loka bởi vậy cũng được hàm ẩn trong hồng danh bản tôn. Từ ý nghĩa này, các dịch giả Trung Quốc về sau đã chuyển ngữ Avalokitasvara thành “Quán Thế Âm” — “người quán sát âm thanh của thế gian”. Âm thanh này chính là tiếng kêu cứu của chúng sinh trong cõi luân hồi, là lý do Bồ-tát phát đại nguyện cứu khổ độ trì cho tất cả hữu tình. Hồng danh “Quán Thế Âm” trở nên phổ biến khi ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) sử dụng danh tự này trong bản dịch Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (Skt. Saddharma Pundarika Sutra) đầu thế kỷ V.
Dưới sự ảnh hưởng của Ấn Độ giáo Shaiva, hồng danh bản tôn dần biến chuyển thành Avalokiteshvara. Danh tự này được ghép từ ba chữ ava, lokita và ishvara (“chí tôn, giáo chủ”). Theo luật hợp âm Sanskrit, a nối i trở thành e, do đó avalokita-ishvara trở thành avalokiteshvara. Đối với tín đồ đạo Shaiva, cũng như với đại đa số người Ấn, Ishvara chính là Shiva, là đấng “Chí tôn siêu việt” đại diện cho khái niệm siêu hình của “Phạm” (Skt. brahman). Tiến trình này được phản ánh rõ nét qua Thanh Cảnh Quán Âm Đại Bi Chú (Skt. Nilakantha Dharani), một danh tự khác của Chú Đại Bi rất phổ biến ở Việt Nam.

Nilakantha (“họng xanh”, Hán dịch “thanh cảnh”) là một biệt hiệu đặc trưng của thần Shiva, bắt nguồn từ sự tích ngài nuốt độc tố (kalakuta) nổi lên từ đại dương khuấy động trong Ấn Độ giáo Vệ Đà, song chất độc đọng lại ở cổ và khiến cổ ngài có màu xanh dương. Đặc điểm này được lặp lại gần như y hệt trong sự tích Bồ-tát Thanh Cảnh Quán Âm (Nilakantha); cụm từ “na ra/na la cẩn trì” xuất hiện nhiều lần trong Chú Đại Bi chính là phiên âm chữ Hán của hồng danh Nilakantha.
Năm 646, trong Đại Đường Tây Vực Ký, ngài Đường Huyền Trang đã dịch hồng danh Bồ-tát thành “Quán Tự Tại” (theo đó ishvara được chuyển ngữ thành bậc “tự tại”). Việc này phản ánh bước chuyển mình quan trọng từ Avalokitasvara sang Avalokiteshvara, bởi trước đó mọi văn bản tiếng Hán đều dùng chữ “Âm” (svara) cho hồng danh Bồ-tát. Từ chi tiết này, có thể suy luận rằng Avalokiteshvara mới là tên gọi phổ biến của bản tôn ở Ấn Độ thế kỷ VII. Năm mươi năm sau, ngài Hỷ Học (Shikshananda) cũng áp dụng hồng danh này cho bản dịch Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh (Skt. Mahavaipulya Buddhavatamsaka Sutra). Bên cạnh Avalokiteshvara, tên gọi Lokeshvara (“Thế Tự Tại Vương”) cũng được sử dụng như một hồng danh khả hoán cho Bồ-tát Quán Thế Âm. Lokeshvara bao hàm lok và ishvara — “bậc chí tôn tự tại trên thế gian”.
Trong thời kỳ chuyển tiếp giữa Avalokitasvara và Avalokiteshvara, khi không rõ nên sử dụng hồng danh nào, tên viết tắt Avalokita (“người rủ mắt nhìn xuống”) trở thành lựa chọn phổ biến cho nhiều bộ kinh tiếng Phạm (Sanskrit). Khi bóc tách hồng danh tiếng Tạng của ngài là Chenrezig (Tib. Spyan ras gzigs), ta dễ dàng nhận ra đây là bản dịch trực tiếp từ tên gọi Avalokita, hợp lại từ chen (“con mắt”) và rezig (“nhìn, quan sát”).
Xuất Xứ và Lịch Sử
Trong Phật giáo Đại Thừa, đức Quán Thế Âm được xem như một hiện thân của đức Phật A Di Đà Amitabha — nhân vật trung tâm của Tịnh Độ Tông, là đấng Vô Lượng Quang Phật với trí tuệ Diệu Quan Sát. Theo đó, đức Quán Thế Âm cũng trở thành bậc Bồ-tát lý tưởng của Phật giáo Đại Thừa, người trì hoãn niết-bàn (nirvana) của chính mình để dẫn dắt chúng sinh thoát vòng sinh tử. Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Bồ-tát Quán Thế Âm đã được kính ngưỡng ở mọi nơi trên thế giới Phật giáo, từ Trung, Nam đến Đông Á.
Những bộ kinh gắn liền mật thiết tới đức Quán Thế Âm bao gồm Diệu Pháp Liên Hoa, Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương (Skt. Arya Karandavyuha Nama Mahayana Sutra), và xa hơn là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Từ kinh Trang Nghiêm Bảo Vương, ta được biết Bồ-tát Quán Thế Âm là một hiện tướng của đức Phật và chân ngôn (mantra) của ngài là Om Mani Padme Hum. Câu chân ngôn này biểu thị mối liên kết của Bồ-tát tới hoa sen, và thường được trì niệm khi thiền định quán tưởng về ngài.

Khi Phật giáo hưng thịnh và lan tỏa muôn phương, bản thân Bồ-tát cũng được diễn tả trong nhiều hình tướng và hóa thân khác nhau. Việc này phần nào phản ánh tính đa dạng và quy mô của thế giới Phật giáo. Không đâu trên thế giới thể hiện rõ điều này bằng tôn tượng Quán Thế Âm khổng lồ ở tự viện Alchi, Ladakh thế kỷ XI. Trên khố dhoti của ngài vẽ hàng loạt đền thờ Phật giáo trong lịch sử và thần thoại — dấu tích chỉ còn lưu lại duy nhất trên pho tượng này. Các học giả cho rằng khuynh hướng miêu tả đức Quán Thế Âm dưới nhiều hình tướng, dù được thúc đẩy bởi dòng chảy nghệ thuật hay đức tin sùng kính, đều bắt nguồn từ hai điều. Thứ nhất, Bồ-tát có thể tùy duyên hiện tướng độ sinh, việc này kinh điển đã khẳng định rõ ràng. Thứ hai, mỗi vùng miền khác nhau sẽ có cách biểu đạt lòng từ bi qua lăng kính nghệ thuật khác nhau.
Trong nghệ thuật Gandhara, tương tự các vị Bồ-tát khác, ngài xuất hiện với bộ ria mép, quấn khăn uttariya và đeo nhiều trang sức. Có lẽ hai đặc điểm chính của ngài, gồm hoa sen trên tay trái và linh ảnh đức A Di Đà Phật trên đỉnh đầu, đã xuất hiện từ thời này. Rất nhiều tranh tượng sơ kỳ của chư Phật và Bồ-tát từng trải qua những thể nghiệm về phong cách, bởi biểu tượng học thời kỳ này chưa được định hình rõ. Bởi vậy, việc định danh các Bồ-tát với những đặc điểm khả hoán trở nên khó khăn hơn nhiều. Lấy ví dụ, hoa sen đôi khi được thay bằng tràng hoa, và một số Bồ-tát như đức Di Lặc Maitreya cũng có thể đội linh ảnh chư Phật trên đầu.
Biểu tượng học Phật giáo dần ổn định và rõ nét hơn dưới triều đại Vakataka và Gupta — từ thế kỷ II–VI tại khu vực Bắc Pakistan, Bắc Ấn và cao nguyên Deccan ngày nay — nhờ sự bảo trợ của hoàng gia và nền tảng kinh điển vững chắc, trong đó chủ yếu là những tạng kinh Đại Thừa quan trọng. Đến thế kỷ V, hình tượng Bồ-tát mang tính mô phạm đã ra đời ở các trung tâm văn hóa như Sarnath và Mathura. Đây là tiền đề cho hình họa chư Phật và Bồ-tát sau này. Chính trong thời kỳ này, hình ảnh đức Quán Thế Âm trở nên quy chuẩn với những đặc điểm hết sức tiêu biểu. Ngài được thể hiện với thủ ấn “thí nguyện” (varada mudra) bên tay phải và cành sen bên tay trái. Bản tôn cũng được diễn tả đeo trang sức ngọc diễm lệ, tay lần tràng hạt và đội tôn tượng Phật A Di Đà trên búi tóc bện (tóc bện thành lọn được xem như một dấu hiệu của hành giả khổ hạnh).

Ví dụ nổi tiếng nhất của hình tượng đức Bồ-tát thời kỳ này là bức bích họa trong Hang 1 ở hệ thống chùa hang Ajanta, có niên đại từ thế kỷ V. Tại đây, ngài hiện lên với tư thế bảo hộ và mang hồng danh Liên Hoa Thủ Padmapani, toàn thân trang hoàng hết sức lộng lẫy, tay cầm hoa sen trắng, song không đội linh ảnh Phật trên đầu. Hạnh nguyện đại từ đại bi của ngài tỏa ra rạng rỡ từ quang dung bình an — một phần bởi phong cách nghệ thuật, một phần do kinh điển cũng ghi chép rõ ràng.
Tới cuối thiên niên kỷ thứ nhất, ở phía Đông và Đông–Bắc tiểu lục địa Ấn Độ, đức Quán Thế Âm và nhiều vị Bồ-tát khác bắt đầu hiện tướng nhiều tay và nhiều đầu. Sự thay đổi này đến từ những tác động của Mật giáo Kim Cương Thừa (chủ yếu do triều đại Pala bảo trợ) lên thế giới quan Phật giáo. Việc thể hiện bản tôn nhiều tay cho phép ta trình bày nhiều hơn nữa các công hạnh và năng lực của ngài, mở đường cho những hiện tướng và diễn giải mới về bản tôn. Ở Nepal và Tây Tạng, ngài trở thành đức Quán Âm Thập Nhất Diện Ekadasamukha Avalokiteshvara với mười một đầu xếp tầng và nhiều tay — biểu thị cho năng lực thấu suốt tam thiên và thần thông quảng đại cứu độ hữu tình. Những hiện thân ít phổ biến hơn của ngài, chẳng hạn như hình tướng phẫn nộ Mã Đầu Minh Vương Hayagriva và Đại Hắc Thiên Mahakala, lại đại diện cho công hạnh diệt trừ thói quen tiêu cực và phiền não trong tâm chúng sinh.

Trong hình họa Phật giáo, những hình tượng này đều là chính tắc và dựa trên cơ sở kinh điển. Đồng thời, chư vị còn đại diện cho một điểm giao thú vị giữa hình họa Mật thừa Phật giáo và Ấn Độ giáo. Thanh Cảnh Quán Âm Nilakantha, một trong những hiện thân của đức Bồ-tát, theo miêu tả có tóc bện thành lọn và cổ màu xanh — rất tương đồng với thần Shiva Ấn giáo, ngoại trừ điểm khác biệt chính là Bồ-tát đội linh ảnh đức Phật A Di Đà trên đầu. Một hình tướng khác của ngài là Hari-hari-hari-vahana Avalokiteshvara lại đứng trên vai thần Vishnu Ấn giáo; thần ngồi trên thú luân của mình là chim thần Kim Sí Điểu Garuda; chim cưỡi trên lưng hổ (và đôi khi hổ sẽ đứng trên thân rắn thần Takshaka). Hiện thân đặc biệt này rất hiếm gặp, trước giờ chỉ tìm thấy một bức tượng ở Nepal.
Khi an tọa, thế chân của đức Quán Thế Âm cũng rất đa dạng. Đôi khi ngài được mô tả trong thế “an nhiên du hý” (lalitasana), một chân xếp bằng, một chân thõng xuống (hoặc co gối, đặt tay thoải mái bên trên). Cũng có khi ngài kết già trong tư thế kim cương (vajrasana). Có lẽ điều này bắt nguồn từ pháp hành thiền của Kim Cương Thừa và các hệ phái khác, cũng như từ sự giao thoa giữa thiền định và nghệ thuật trong bộ Mật Pháp Nghi Quỹ (Sadhanamala), vốn nhắc đến mười lăm hình tướng Quán Thế Âm. Tiến trình này đã kết hợp đặc điểm của đức Bồ-tát từ thế kỷ IV–V (do triều đại Vakataka và Gupta bảo trợ) để tạo nên những cách thể hiện mang tính miêu tả hơn là nguyên tắc. Điều này chỉ ra rằng nhiều hiện tướng Bồ-tát có thể đã tồn tại từ trước khi Mật Pháp Tu Trì ra đời. Bằng chứng từ kinh văn và mỹ thuật cho thấy, những hình tướng phổ biến nhất ở Ấn Độ là đức Lục Tự Thế Tự Tại Vương Sadaksari Lokeshvara (cũng chính là đức Quán Âm Tứ Thủ), Sư Tử Hống Simhanada, Quán Âm Không Hành Khasarpana và Quán Âm Thế Tôn Lokanatha. Về sau, Quán Âm Tứ Thủ trở thành hình tượng trọng yếu của Phật giáo Tây Tạng, và trong đức tin của người Tạng, Dalai Lama chính là một hóa thân chân thật của ngài.

Tùy theo từng hình tướng mà chư tôn xuất hiện quanh đức Quán Thế Âm cũng khác nhau. Thông thường, các vị là những bậc Bồ-tát khác, phổ biến nhất là đức Độ Mẫu Tara, và trong một số trường hợp chính là những hiện thân khác của ngài — trong số bản tôn vây quanh Quán Âm Không Hành có cả đức Mã Đầu Minh Vương. Điều này phản ánh sự phức tạp và tương liên trong khái niệm từ bi, khi nó được biểu đạt bằng những hình tướng nhất định.
Vượt ra ngoài tiểu lục địa Ấn Độ và đến tận ngày nay, Bồ-tát Quán Thế Âm vẫn được các quốc gia diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Ở Trung Quốc và Đông Á, từ thế kỷ XI, ngài đã trở thành nữ Bồ-tát Quán Âm. Có lẽ hình tướng nữ ra đời từ điển tích Bồ-tát ban phép mầu cho tín nữ cầu tự trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Tại Nhật Bản, ngài được thờ phụng từ thế kỷ VII và hóa hiện sáu hoặc bảy hình tướng — sáu theo Phật giáo Shingon (Chân Ngôn Tông) và bảy theo Phật giáo Tendai (Thiên Thai Tông). Đến Tây Tạng, Bồ-tát được người dân nơi đây hết mực kính ngưỡng, và mỗi đời Dalai Lama đều được xem như một hóa thân của ngài. Sang Việt Nam, ngài trở thành đức Quán Âm Thị Kính, nữ Bồ-tát nhẫn chịu mọi nỗi oan khiên trên con đường tu hành, một sự tích hẳn đã hằn sâu vào tiềm thức người Việt.
Phật Pháp lan tỏa đến đâu, hạt giống của từ bi và trí tuệ lại nảy mầm đến đó. Dù khoác lên mình hình tướng và danh tự nào, Bồ-tát Quán Thế Âm vẫn luôn là đại diện tiêu biểu nhất, lý tưởng nhất cho tinh thần Phật đạo — cứu khổ, độ mê, dẫn dắt hữu tình vượt biển luân hồi, lên bờ giải thoát.
Phần II: Ý Nghĩa Biểu Tượng và Các Hình Tướng
Dịch và biên khảo: Jigme
Tư Liệu Tham Khảo
Beer, Robert. Bách Khoa Toàn Thư Biểu Tượng và Hoa Văn Mật Tạng. Hà Nội: Đông A Books và NXB Dân Trí, 2024.
Britannica, T. Editors of Encyclopaedia. “Ishvara.” Encyclopedia Britannica, February 19, 2015. https://www.britannica.com/topic/Ishvara
Chandra, Lokesh. “The Origin of Avalokitesvara.” Indologica Taurinensia XIII (1985–1986): 189–90. International Association of Sanskrit Studies.
Department of Exhibitions, Kyoto National Museum. Kannon Worship: The Thirty-three Pilgrimage Sites of Western Japan. 2020.
MAP Academy Encyclopedia of Art. “Avalokiteshvara.” Accessed November 11, 2024. https://mapacademy.io/article/avalokiteshvara
Wisdom Library. “Harihariharivahana.” Wisdom Library. Accessed November 16, 2024. https://www.wisdomlib.org/definition/harihariharivahana
Comments