top of page

Sư Tử Hống Simhanada

  • Ảnh của tác giả: Jigme
    Jigme
  • 6 thg 3
  • 10 phút đọc

Sư Tử Hống Simhanada, “tiếng gầm của sư tử”, còn được gọi đầy đủ là Sư Tử Hống Thế Tự Tại Vương (Skt. Simhanada Lokeshvara; Tib. Seng ge dra Chen re zig), là một trong những hiện thân dũng mãnh và nổi tiếng nhất của Đại Bi Quán Thế Âm Bồ-tát Avalokiteshvara. Đức Sư Tử Hống được thờ phụng rộng rãi ở Ấn Độ cổ, sau đó lan tỏa đến khu vực Himalaya, Sri Lanka và Trung Quốc.


Thangka painting of Simhanada Avalokiteshvara on canvas, from Tibet.
Thangka Sư Tử Hống Quán Âm Simhanada Avalokiteshvara vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XIX. Xuất xứ Tây Tạng. Himalayan Art Resources.

Khởi Nguyên và Ý Nghĩa Hồng Danh Sư Tử Hống


Các bằng chứng khảo cổ cho thấy tôn tượng Sư Tử Hống từng được thờ trong bảo tháp Đại Giác Ngộ (Mahabodhi) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), Ấn Độ, trước khi tháp trải qua trùng tu vào thế kỷ XIX. Tại thành phố Patan, Nepal, các tịnh xá (vihara) quan trọng trong vùng đều đặt hai tượng Sư Tử Hống bằng đá hoặc đồng ở hai bên cầu thang dẫn lên gian thờ. Lòng tôn kính dành cho ngài được minh chứng qua nhiều kinh văn Phật giáo, trong đó bao gồm chín nghi quỹ (sadhana), một số bài tán tụng và văn bản nghi lễ trong tạng Tengyur của Phật giáo Tây Tạng. Bên cạnh đó, hai bài đà-la-ni (dharani) ngắn dành riêng cho bản tôn cũng xuất hiện trong tạng Kangyur, càng củng cố thêm tầm ảnh hưởng của Bồ-tát.


Sự tích và hình tượng Sư Tử Hống Quán Âm được viết tường tận trong Mật điển Sư Tử Hống (Skt. Simhanada Tantra) và Sư Tử Hống Quán Âm Đà-la-ni (Skt. Avalokiteshvara Simhanada Dharani). Văn bản tiếng Phạm và tiếng Trung của Mật điển Sư Tử Hống đã mất từ lâu, song phiên bản tiếng Tạng may mắn còn nguyên vẹn. Bản dịch này ra đời nhờ công của thượng sư Ấn Độ Prajnakara và dịch giả người Tạng Gö Khukpa Lhetse hồi thế kỷ XI. Bản đà-la-ni ngắn hơn, gần như lặp lại một đoạn trong Sư Tử Hống Quán Âm Đà-la-ni, hiện còn lưu dấu trong bộ Mật Pháp Nghi Quỹ (Skt. Sadhanamala) bằng tiếng Phạm.


Stone statue of Simhanada Lokeshvara, from India.
Tượng Bồ-tát Sư Tử Hống Thế Tự Tại Vương Simhanada Lokeshvara bằng đá. Niên đại thế kỷ XI. Xuất xứ Ấn Độ. Birmingham Museums Trust.

Nhờ Sư Tử Hống Quán Âm Đà-la-ni, ta biết được xuất xứ và căn nguyên Bồ-tát Sư Tử Hống Quán Âm thuần phục chư naga, hóa giải bệnh tật và có được hình tướng như hiện tại. Bản văn mở đầu bằng việc đức Phật Thích Ca Mâu Ni Shakyamuni an trụ tại cung điện của Bồ-tát Quán Thế Âm trên đỉnh núi Potala, bao quanh bởi vô số hàng Bồ-tát (bodhisattva) và Thanh Văn (shravaka). Khi ấy, Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi Manjushri bạch Phật rằng, ở vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) có vị vua tên Quang Vương, tuy dòng dõi quyến thuộc rất trang nghiêm tốt đẹp, nhưng bản thân nhà vua lại bị bệnh tật hành hạ. Ngài khuyến thỉnh Thế Tôn bố thí phương pháp chữa bệnh cho nhà vua. Để đáp lời Bồ-tát, Phật thuật lại câu chuyện như sau.


Sư Tử Hống Quán Âm Đà-la-ni (Lược Trích)


Thuở xa xưa, khi Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi được gọi tên Đại Trí Tuệ, còn Bồ-tát Quán Thế Âm mang danh Đại Từ Bi, các ngài đã phát nguyện dấn thân cứu độ chúng sinh khắp ba cõi. Hai vị được trang hoàng bởi những phục sức quý báu, tay cầm đinh ba, bảo kiếm và hoa sen, cưỡi trên một con sư tử trắng uy nghiêm — biểu trưng cho sự vô úy và quyền năng dũng mãnh của bậc Bồ-tát.


Khi đến bờ đại dương, họ để sư tử lại đằng sau và tiếp tục tiến về phía trước, cùng nhau san sẻ gánh nặng của chuyến hải trình. Xuất phát từ động cơ vô ngã vị tha, vì lợi ích của người bạn đồng hành, đức Văn Thù quyết định dùng bảo kiếm tự kết liễu sinh mệnh. Quá đau buồn và cho rằng bạn mình bị những loài trên trời, dưới nước và âm ty ám hại, đức Quán Thế Âm trải qua một sự biến đổi sâu sắc. Ngài vấn tóc thành mũ miện, cầm hộp sọ của bà-la-môn (brahmin) làm bình bát, nắm chặt gậy đinh ba và cưỡi lên sư tử trắng. Trong cơn thịnh nộ và sầu bi, ngài chĩa pháp khí lên trời, thanh âm vang vọng như tiếng gầm sư vương:


“Thương ba cõi, ta nguyện độ quần sinh,

Nhưng bạn xưa bỏ ta lại một mình,

Nếu căn nguyên bởi chư thiên lầm lỗi,

Ta tru di, quyết hỏi tội đến cùng!”


Thay vì run sợ trước những lời này, Tứ đại thiên vương, Đế Thích (Shakra), Phạm Thiên và chư thần ba cõi khởi niềm vui mừng khôn xiết. Họ trải mưa hoa cúng dàng Bồ-tát, nào là sen trắng, sen xanh, sen vàng và hoa đại thơm ngát, đổ đầy bát sọ của ngài bằng những vật phẩm thiêng liêng. Đức Quán Thế Âm chĩa đinh ba về tám chủng linh thần và tuyên bố:


Stone statue of Simhanada Lokeshvara, from India.
Tượng Bồ-tát Sư Tử Hống Thế Tự Tại Vương Simhanada Lokeshvara bằng đá basalt. Niên đại thế kỷ XI. Xuất xứ Bihar, Ấn Độ. The Art Institute of Chicago.

“Thương ba cõi, ta nguyện độ quần sinh,

Nhưng bạn xưa bỏ ta lại một mình,

Nếu tội kia do tinh linh tám chủng,

Ta tru di, không dung túng lỗi lầm!”


Thay vì kháng cự, các vị vua của tám chủng linh thần hạnh phúc rạng ngời, cùng dâng châu ngọc trang sức lên cúng dàng sư tử của ngài. Đức Bồ-tát lại chĩa đinh ba về phía naga, khuấy động đại dương và tuyên bố:


“Thương ba cõi, ta nguyện độ quần sinh,

Nhưng bạn xưa bỏ ta lại một mình,

Nếu naga là nguồn cơn tai vạ,

Ta tru di, nghiêm trị, há để yên?”


Thấy cõi nước rung chuyển ầm ầm, các long vương naga và chư quyến thuộc hoan hỷ mừng vui, miệng cười rạng rỡ. Tức thời, long vương Varuna hóa thành một con rắn trắng, cúi đầu nhiễu quanh Bồ-tát ba vòng và tác bạch:


“Đức Đại Bi, bậc tôn quý nhất đời,

Dưới gót sen, chúng con xin tán thán,

Cho con thơ quy y ngài lánh nạn,

Nếu có tội, xin chịu án nghiêm minh!”


Dứt lời, long vương Varuna cuộn quanh cây đinh ba của Bồ-tát ba vòng, thân tâm hoàn toàn quy phục. Tương tự, các long vương khác cũng nhiễu quanh đức Quán Thế Âm ba vòng, đồng hóa thành một con rắn trắng và cuốn quanh ngài làm sợi chỉ thiêng, nguyện phục tùng vô điều kiện. Từ thời điểm đó, ngài được xưng tán là Sư Tử Hống Quán Âm (Skt. Simhanada Avalokiteshvara) — bậc “sư tử gầm”, đấng chí tôn thống lĩnh naga và chữa lành thân bệnh. Cũng từ điển tích này, đức Phật Thích Ca hé lộ thêm một hồng danh khác của Bồ-tát Đại Trí Tuệ: Sư Tử Ngữ Văn Thù Sư Lợi (Skt. Vadisimha Manjushri).


Đoạn sau, Phật tuyên thuyết đà-la-ni của đức Sư Tử Hống, hướng dẫn đại chúng cách cử hành khóa lễ của ngài để chữa bệnh cho vua Quang Vương, giúp vua vãng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc (Sukhavati) khi thời khắc mạng chung xảy đến. Tiếp đó, Phật khai thị minh chú (vidyamantra) của Bồ-tát Sư Tử Hống và những hóa thân Quán Thế Âm khác, chỉ dẫn công dụng hóa giải khổ đau và bệnh tật của minh chú, đặc biệt là những bệnh do naga gây nên. Cuối kinh, đức Thích Ca tán thán Bồ-tát Quán Thế Âm, ca ngợi Độ Mẫu Tara, Bạch Y Quán Âm Pandaravasini, Mã Đầu Minh Vương Hayagriva — ba hóa thân của đức Quán Thế Âm — và long vương Varuna. Ngài giải thích rằng việc trì niệm minh chú và xưng tán chư tôn có tác dụng chữa lành và gia hộ cho người tụng đọc.


Hiện Tướng và Ý Nghĩa Biểu Tượng Bản Tôn


Hình tượng đức Sư Tử Hống được miêu tả tương đối đầy đủ, chi tiết và nhất quán trong kinh văn và mỹ thuật, dù mỗi thời kỳ và nơi chốn có cách thể hiện khác nhau đôi chút. Nhìn chung, ngài luôn xuất hiện với thân thể màu trắng, có hai tay và hai chân. Theo ghi chép của ngài Ngorchen Konchog Lhundrub (1497-1557) và Yarlungpa Sengge Gyaltsen (thế kỷ XIII), bản tôn hiện ba mắt hiền từ trên khuôn mặt, song cũng có nơi chỉ thể hiện hai mắt. Ngài khoác y phục của hành giả khổ hạnh (Skt. tapasvin; Tib. dka’ thub ldan pa) và quấn khố da hổ (nhấn mạnh vào pháp thực hành khổ hạnh). Vì lý do này, trên người ngài hoàn toàn không có trang sức. Bồ-tát búi tóc thành mũ miện, gắn linh ảnh Phật A Di Đà Amitabha trên đỉnh đầu, khẳng định rõ mối liên hệ với Liên Hoa Bộ (padmakula) mà đức Quán Thế Âm thuộc về.


Thangka painting of Simhanada Avalokiteshvara on canvas, from China.
Thangka Sư Tử Hống Quán Âm Simhanada Avalokiteshvara vẽ trên vải. Niên đại thế kỷ XVII. Xuất xứ Trung Quốc. Royal Ontario Museum.

Đặc điểm nổi bật nhất là ngài an tọa trên lưng sư tử trắng (nêu biểu cho sự vô úy và tối thắng của bản tôn), tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm hoi, sư tử có thể không xuất hiện trong điêu khắc đồng. Bố cục Sư Tử Hống Quán Âm ngự trên sư tử rất tương đồng với hình tượng Sư Tử Ngữ Văn Thù Sư Lợi, song có thể nhận ra đức Sư Tử Hống ở việc ngài vắt da hươu chéo vai trái, có pháp khí đinh ba và không đeo trang sức. Trên tranh vẽ, màu sắc cũng là yếu tố giúp ta phân định dễ dàng: đức Sư Tử Ngữ hiện tướng màu vàng và ngự trên sư tử xanh, còn đức Sư Tử Hống có màu trắng và ngự trên sư tử trắng.


Theo mô tả trong nghi quỹ và các bài tán tụng, Bồ-tát Sư Tử Hống ngồi trong tư thế “tự tại minh vương” (rajalilasana), một chân co lên, một chân xếp bằng. Dù vậy, cũng có khi ngài được thể hiện trong tư thế “an nhiên du hý” (lalitasana), một chân thõng xuống, chân còn lại xếp bằng, hay thậm chí là trong tư thế đứng thẳng.


Thế tay của ngài không được nói rõ trong mật điển và đà-la-ni, do đó không thực sự đồng nhất trong nghệ thuật. Thường gặp nhất, tay phải bản tôn đưa ra phía trước, để ngửa trong thủ ấn “thí nguyện” (varada mudra), tượng trưng cho sự bố thí vô song, còn tay trái duỗi thẳng, tựa vào mặt nguyệt luân. Tư thế này gần như giống hệt hình tướng Chân Tâm An Định Chittavishramana, có lẽ để nhấn mạnh vào khía cạnh thiền định, an trụ nơi tự tính tâm của Bồ-tát.


Những pháp khí tiêu biểu khác bao gồm:


  1. Gậy đinh ba trang trí đầu lâu, thường dựng đứng ở bên phải ngài, hoặc đôi khi ngài cầm trên tay phải. Quấn quanh cây đinh ba là một con rắn trắng. Chỉ trong những trường hợp rất hiếm hoi mà cây gậy này bị lược khỏi bố cục. Pháp khí đinh ba biểu trưng cho sức mạnh khuất phục mọi thế lực thù nghịch.

  2. Cành sen trắng mãn khai trong tay trái, trên đài sen dựng thẳng bảo kiếm rực lửa, nêu biểu cho trí tuệ bát-nhã (prajna).

  3. Bình bát (karotaka), bình cổ loe (bhajana) hoặc bát sọ người (kapala) đựng đầy hoa thơm, thường đặt trên bông sen ở bên trái bản tôn. Tuy nhiên, nhiều tác phẩm lược bỏ chi tiết này.

  4. Tuy Mật Pháp Nghi Quỹ không đề cập đến tràng hạt, một số tranh vẽ ở Tây Tạng vẫn thể hiện pháp khí này trên tay phải.


Hiện tướng Sư Tử Hống vừa thể hiện khía cạnh từ bi hiền hòa, vừa nêu bật phương diện phẫn nộ uy mãnh của Bồ-tát Quán Thế Âm. Tay giương gậy đinh ba và bát sọ người, đầu đội mũ miện bện bằng tóc và cưỡi trên lưng sư tử trắng — hình ảnh uy nghiêm này tượng trưng cho sự chuyển hóa sầu bi thành dũng lực, thịnh nộ thành trí tuệ, đau khổ thành từ bi. Vì lẽ ấy, ngài mãi là bậc hộ trì cứu độ cho hết thảy chúng sinh, được chư thần và long vương hết mực kính ngưỡng.


Dấu Ấn của Lòng Từ Bi


Trải qua gần một thiên niên kỷ tồn tại, cho đến tận ngày nay, hình tượng Sư Tử Hống Quán Âm vẫn giữ vị trí trang trọng trong các truyền thống Phật giáo đương đại. Nghi lễ và nghi quỹ về ngài được lưu giữ trong Bản Tóm Lược Các Nghi Quỹ do ngài Jamyang Loter Wangpo (1847–1914) biên soạn, cũng như trong bản tóm tắt Sư Tử Hống Quán Âm Đà-la-ni do học giả Mipham Gyatso (1846–1912) trước tác từ thế kỷ XIX. Thông qua kinh văn, nghệ thuật và nghi lễ, đức Sư Tử Hống đã trở thành một biểu tượng mạnh mẽ của lòng từ bi vô úy, của trí tuệ thù thắng phá tan mọi chướng ngại — bên trong và bên ngoài — trên con đường giải thoát.


Grey phyllite stele of Simhanada Avalokiteshvara, from India.
Phù điêu Sư Tử Hống Quán Âm Simhanada Avalokiteshvara bằng đá phyllite. Niên đại thế kỷ XI/XII. Xuất xứ Bihar, Ấn Độ. National Museums in Berlin, Asian Art Museum.
 

Dịch và biên khảo: Jigme


Tư Liệu Tham Khảo


  1. 84000: Translating the Words of the Buddha. The Siṃhanāda Tantra (Toh 702). Accessed March 5, 2025. https://84000.co/translation/toh702

  2. 84000: Translating the Words of the Buddha. The Dhāraṇī of Avalokiteśvara Siṃhanāda (Toh 703). Accessed March 5, 2025. https://84000.co/translation/toh703

  3. 84000: Translating the Words of the Buddha. The Dhāraṇī of Siṃhanāda (Toh 704). Accessed March 5, 2025. https://84000.co/translation/toh704

  4. Bhattacharya, Benoytosh. The Indian Buddhist Iconography. Calcutta: Firma K.L. Mukhopadhyay, 1958. “108 Forms of Avalokiteshvara.”

  5. Getty, Alice. The Gods of Northern Buddhism: Their History, Iconography, and Progressive Evolution through the Northern Buddhist Countries. 1914. Reprint, Wisdom Library. Accessed March 5, 2025. https://www.wisdomlib.org/buddhism/book/the-gods-of-northern-buddhism/d/doc4838.html

  6. Watt, Jeff. 1998. “Buddhist Deity: Avalokiteshvara, Simhanada Iconography”. Himalayan Art Resources. Updated May 2017, February 2020. Accessed March 5, 2025. https://www.himalayanart.org/search/set.cfm?setID=6093

  7. Willson, Martin, and Brauen, Martin. Deities of Tibetan Buddhism: The Zürich Paintings of the Icons Worthwhile to See. Boston: Wisdom, 2000.

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating

Đăng Ký

Để đón đọc các bài viết mới nhất từ SonMani

bottom of page