top of page
Artist Robert Beer examining paintings in his working room, which is full of thangkas on the wall

Robert Beer

HỌA SỸ

TÁC GIẢ SÁCH

NHÀ SƯU TẦM NGHỆ THUẬT

Robert Beer portrait by Peter Mennim, oil painting on canvas

Chân dung Robert Beer.

Tranh sơn dầu của họa sỹ Peter Mennim.

Tự Sự

Tôi sinh năm 1947 tại Cardiff, miền Nam xứ Wales. Năm mười bốn tuổi, tôi nhận được một “cuộc giao tiếp sau cái chết” từ linh hồn em gái mới mất. Trải nghiệm ấy tuyệt vời và sâu sắc đến mức khiến cho tôi có niềm tin tuyệt đối vào sự bất tử, trong sáng và bất hoại của linh hồn. Sự kiện này đánh dấu bước đi đầu tiên trên hành trình tâm linh của tôi. Khi ấy, tôi biết tình yêu và mất mát thực sự là gì, nhưng không hiểu tại sao chúng lại xảy đến với mình. Và tuổi thơ tôi không bao giờ còn như cũ nữa.

 

Một thời gian ngắn sau, gia đình tôi mỗi người một ngả. Tôi sống nay đây mai đó và tiếp xúc với làn sóng “phản văn hóa” đầu tiên của những năm sáu mươi. Từ khi còn nhỏ, tôi đã có niềm đam mê mãnh liệt với hội họa, tuy nhiên tôi không được nhận vào Đại học Mỹ thuật vì bị mù màu. Chính lúc ấy, tôi đã gặp John F. B. Miles (1944–1997), một con người thú vị và đầy màu sắc, người cố vấn nghệ thuật và người bạn vong niên của tôi. Trong mắt tôi, ông là một trong những họa sỹ trừu tượng xuất sắc nhất thời đại này. Trong năm năm tiếp theo, tôi tìm hiểu và đào sâu vào các truyền thống mật truyền phương Đông. Chính hệ thống biểu tượng trong các truyền thống này đã ảnh hưởng sâu sắc đến kỹ năng nghệ thuật và sức sáng tạo của tôi. Tuy nhiên, vào cuối năm 1968, tôi trải qua “cú sốc Hỏa Hầu” kéo dài trong nhiều năm, và thêm lần nữa khiến cuộc đời tôi rẽ lối. Trong tình trạng vô cùng bất ổn về tinh thần và nhận thức này, năm 1970, tôi đến Ấn Độ và Nepal, rồi sống ở đây sáu năm.

Photo was taken outside the British Museum in 1977. Miss Stuart Hamill (left), Drugu Choegyal Rinpoche, Dorzong Rinpoche, 8th Khamtrul Rinpoche, Chimi Rinpoche, Robert Beer, Keith Dowman (right). Photo by the late Edward Henning.
Robert and Ani Zamba on one of her visits to London from Korea 1982

Trong hai mươi lăm năm bên bàn vẽ và làm việc suốt ngày đêm, nhiều tác phẩm của tôi đã xuất hiện trên hàng trăm cuốn sách, tô điểm cho vô số trang web và hiện vật tâm linh — từ cờ cầu nguyện Tây Tạng, đồ trang sức, khăn chúc phúc, cho đến hộp đựng hương, áo phông và thảm kê chuột máy tính. Cho đến nay, dự án tham vọng nhất của tôi là loạt tranh vẽ về những vị nắm giữ truyền thừa (chưa từng được công bố), và cuốn sách Bách Khoa Toàn Thư Biểu Tượng và Hoa Văn Mật Tạng, cũng như phiên bản rút gọn của nó là Sổ Tay Biểu Tượng Tây Tạng. NXB Shambhala và NXB Serindia đã xuất bản hai cuốn này vào năm 1999 và 2003.

 

Phần lớn các tác phẩm xuất sắc nhất của tôi được thực hiện trên cao nguyên Scotland hẻo lánh, nơi tôi sống cùng vợ và hai con gái trong mười năm. Năm 1988, tôi trở lại Nepal lần đầu tiên sau hơn hai mươi năm. Tôi hết sức bất ngờ khi thấy những bức tranh và hình vẽ của mình đã ảnh hưởng đến nghệ thuật Tây Tạng và Nepal hiện đại nhiều đến vậy. Năm 1997, tôi trở lại Kathmandu một lần nữa, và với sự hỗ trợ từ người bạn thân thiết Phunsok Tsering (1957–2008), tôi kết nối lại với Siddhimuni Shakya và bắt đầu nghiên cứu truyền thống hội họa Newar Paubha ở Thung lũng Kathmandu. Đây là một truyền thống độc đáo với những bản tôn Ấn giáo và Phật giáo của riêng mình. Kể từ đó, tôi dành một tháng mỗi năm ở Kathmandu, dần chiếm được niềm tin, sự tôn trọng và trung thành của các nghệ nhân nơi đây. Tôi trở thành người bảo trợ và cố vấn chính cho họ, đồng thời sưu tầm những tác phẩm tuyệt mỹ và tinh tế nhất của họ. Một số bức tranh này từng được tôi triển lãm ở October Gallery tại London, Bảo tàng Phương Đông ở Bath và Durham, Tibet House ở New York và Mahadevi Gallery ở California.

Lower Dharamsala 1972. With Charles Genoud and local kids (left): George Dressiens (Geshe Karpo) with dogs below; Gerardo Abboud (centre); Robert Beer (right), and Frances Bridgeman below with Pu and Pema, and Amala (right) with new baby. Amala was the wife of the late thangka painter Jampa Tseten from Lhasa, and his son (Pu) is the thangka painter Tsering Dhundup.
Morning sarod practice of Robert Beer, Assi Ghat, Varanasi, 1974

Ở Ấn Độ, tôi học vẽ thangka với một số nghệ nhân Tây Tạng trứ danh nhất thời bấy giờ: Jampa từ Lhasa — vị “họa sỹ triều đình” của Tây Tạng, khi đó sống ở Dharamshala; và đức Khamtrul Rinpoche — một thượng sư và họa sỹ vĩ đại, người thành lập Cộng đồng Nghề thủ công truyền thống Tây Tạng ở Tashi Jong. Ở Kathmandu, tôi bị mê hoặc bởi nghệ thuật và kiến trúc Newar truyền thống. Trong đó, tôi vô cùng ấn tượng với phong cách xuất thần và kỹ thuật hội họa của Siddhimuni Shakya (1932–2001), một họa sỹ nổi tiếng ở Nepal. Trong thời gian này, tôi đắm mình trong mọi khía cạnh tâm linh và văn hóa Ấn Độ, học chơi đàn sarod ở Varanasi, và lĩnh hội nhiều điều từ vô số thầy tu khổ hạnh, thượng sư, học giả, huyễn thuật gia và người hành khất mà tôi có cơ duyên gặp gỡ.

Năm 1976, tôi trở về Anh Quốc và bắt đầu kiếm sống ở London bằng nghề họa sỹ vẽ tranh và minh họa. Tôi tạo ra các mẫu hoa văn Á Đông trên vải, vẽ thangka trên lụa, vẽ bìa và tranh minh họa cho các đầu sách. Vào thời đó, có rất ít người hiểu, trân trọng hoặc có nhu cầu vẽ hình bản tôn Phật giáo. Những đầu việc ít ỏi tôi nhận được thường là để làm từ thiện cho các trung tâm Phật giáo mới mở. Nhưng tôi vẫn kiên trì, vẫn tiếp tục vẽ và nghiên cứu với lòng sùng kính chạm ngưỡng điên rồ, cho đến khi những hiểu biết trong tôi dần kết tinh từ trực giác. Tinh hoa của truyền thống Kim Cương Thừa được bao hàm trọn vẹn trong biểu tượng học bản tôn. Càng đào sâu vào chủ đề xuất thế gian này, bức tranh toàn cảnh càng được hiển lộ. Tôi chưa bao giờ hết ngỡ ngàng trước sự vi tế đáng kinh ngạc của “Bản Tâm” — nơi hoài thai vô số bản tôn và những pháp thiền định hết sức bí truyền về các ngài. Mặc dù tôi nhận mình là tự học và không thuộc một truyền thừa nào, song trực giác vẫn luôn là người thầy vĩ đại nhất của tôi. Xét đến cùng, giáo pháp đâu tồn tại ở ngoài tâm trí ta, và chính nhờ những hiển lộ trực tiếp trong tâm mà tôi mới thực sự hiểu và vận dụng pháp.

Hiện tôi đang sống ở Oxford với người bạn đời Gill Farrer-Halls. Tôi vẫn tiếp tục dự án dài hơi của mình là viết về ý nghĩa biểu tượng và hình họa bản tôn trong các truyền thống Ấn Độ, Tây Tạng và Nepal. Tuy nhiên, mặc dù dấn thân nghiên cứu những giá trị văn hóa cổ xưa này, tôi luôn có xu hướng coi đây là phương tiện để mình nội chứng. Với tôi, đây là một sản phẩm phụ hình thành từ diễn trình chiêm nghiệm và nghiền ngẫm nội tâm, bắt đầu từ năm tôi mười bốn tuổi. Nó thúc đẩy những việc tôi làm, nhưng không định nghĩa việc tôi là ai.

Xuyên suốt đời mình, tôi đã có nhiều trải nghiệm huyền bí và tâm linh khác nhau. Một số kéo dài và hỷ lạc, số khác bột phát và dữ dội điên cuồng. Chúng là một phần của thế giới tinh thần và tâm linh mà tôi lựa chọn sống cùng và khám phá, bên cạnh vô số những bản tôn hiền hòa và phẫn nộ. Tất cả những trải nghiệm này đều là tạm thời. Chúng đến rồi đi, có khởi đầu, đoạn giữa, và kết thúc. Song chúng không còn định hình sự hiểu biết của tôi nữa.

Năm 2006, con gái lớn Carrina của tôi qua đời trong một tai nạn lặn ở tuổi hai mươi ba. Từ thảm kịch này, tôi nhận ra rằng mặc dù truyền thống Tây Tạng rất giàu giáo lý về cái chết và cận tử, nhưng lại khá nghèo nàn trong việc đối diện với nỗi đau tinh thần dữ dội. Cái chết của một đứa trẻ có thể đẩy ta ra xa khỏi bất kỳ hệ thống niềm tin hay học thuyết nào. Và quả thực là vậy như trong trường hợp của tôi.

Vì vậy, trong bốn năm qua, tôi bắt đầu nghiên cứu về “kiếp sau” mà không theo bất kỳ học thuyết, khái niệm và hệ thống tôn giáo nào. Được chỉ dẫn hoàn toàn bởi trực giác cá nhân, tôi đã hiểu “tâm linh” theo một cách hoàn toàn khác. Sự hiểu biết này không đến từ bất cứ học thuyết hay giáo lý nào, mà dựa trên tri kiến và trải nghiệm trực tiếp của riêng tôi về “thế giới tâm linh”. Giờ đây, tôi nhận ra đó là nguồn gốc của tuệ giác, lòng trắc ẩn, nhận thức và năng lượng tối cao thấm nhuần vũ trụ đa chiều của chúng ta. Trong ánh sáng từ bi của “bản tâm”, vốn vô hình và vô thủy vô chung, tiểu sử đời ta trong kiếp sống này cũng huyễn hóa tựa giấc mộng ban trưa. Nhân gian duyên hợp duyên tan trong một cơn đại mộng, và đến bây giờ, tôi chỉ mới bắt đầu tỉnh giấc chiêm bao.

Robert Beer
Oxford

Mùa Xuân 2010

Robert Beer and Jigme first meeting in Bristol 2024
bottom of page